Rau ngon nhất lúc đương thì con gái, cao khoảng hai ba lóng tay, non mướt, mọc lẻ bạn, lả lơi cùng ngọn gió chướng mát lành. Dịp gần tháng chạp, ngay buổi giao mùa, nàng rau uống đầy âm- dương của đất trời, căng tràn nhựa sống. Thế nên rau có phong vị đặc trưng: trước đắng sau ngọt thơm thanh khiết, không lẫn vào đâu được.
Rau đắng đất đương thì con gái |
Rau đắng ngày xưa còn "chở" cả ánh trăng rằm thanh thoát, tiếng thủ thỉ hẹn hò lứa đôi, tiếng sột soạt giòn tan của những bước chân đạp rạ hối hả đi phơi bánh phồng, bánh tráng đón tết cổ truyền...
Tuy thân mềm yếu nhưng vị rau bất khuất với mọi loại đất, địa hình. Đặc biệt, rau thích mọc đâu thì mọc, nếu bị bứng đi chỗ khác sẽ ... "tự tử" ngay! Cuối đời, rau gửi lại nhiều hạt nhỏ rơi vãi, chu du. Đến mùa sau, gặp lúc thuận lợi, hạt rau sẽ vươn mầm tái sinh...
Mấy "nàng" rau đắng đất còn "ngái ngủ" nơi bờ ruộng! |
Ngon quên thôi! Cháo lóc đồng "gồng" rau đắng đất |
Rau đắng đất thích hợp với ăn sống, nấu canh cá đồng hoặc ăn kèm cháo: gà, vịt, cá, thịt... Người ăn rau sành điệu sẽ không cho rau vào nồi từ đầu. Làm vậy, rau sẽ rục và đắng như ký ninh.Với món canh, sau khi nêm gia vị vừa ăn, tắt lửa, rồi họ mới cho rau vào sau cùng.
Gặp ngày hè nóng đổ lửa hay cảm thấy chán cơm chê phở, bạn thử tìm húp cháo cá lóc đồng hay gà đất kèm rau đắng đất sẽ thấy đời vui trở lại! Chầm chậm thưởng thức, thong thả lắng nghe... mùi thơm thuần khiết khiến thực khách sảng khoái hơn. Và vị đắng thanh dịu lại "có hậu" ngọt, sẽ dần chinh phục thần khẩu, làm mát lòng mát dạ cả người khó tính. Rồi xì xụp húp, trán lấm tấm mồ hôi, nghe tươi tỉnh hẳn!