Theo dự kiến, chương trình nghị sự của hội nghị sẽ lấy vấn đề khủng hoảng nợ ở khu vực đồng euro (Eurozone) làm trọng tâm để thảo luận. Hội nghị thượng đỉnh G-8 lần này diễn ra vào thời điểm Eurozone rơi vào suy thoái kinh tế và Tây Ban Nha sắp theo vết trượt đổ trong cuộc khủng hoảng nợ.
Người dân Hy Lạp muốn ở lại Eurozone nhưng không đồng ý các kế hoạch cắt giảm chi tiêu. |
Người ta quan ngại rằng, chính phủ các nước Eurozone đã không đủ quyết liệt trong việc giải quyết vấn đề của lĩnh vực ngân hàng ở Tây Ban Nha, nơi các ngân hàng đang phải gánh một số lượng lớn nợ xấu sau khi bong bóng trên thị trường bất động sản vỡ và một số chuyên gia lo ngại nước này sẽ không đủ khả năng tự cứu các ngân hàng.
Trong khi đó, nhiều khả năng Hy Lạp vẫn là chủ đề nóng khi nước này đã không thể thành lập được một chính phủ liên minh sau cuộc bầu cử vừa qua giữa lúc đất nước đang ngập trong nợ nần. Điều này đang gây rủi ro cho gói cứu trợ dành cho Hy Lạp, thậm chí có thể dẫn tới khả năng vỡ nợ và tiếp theo đó là việc nước này phải ra khỏi Eurozone. Hội nghị cũng sẽ bàn về một châu Âu sẽ ra sao nếu khả năng này xảy ra.
Trước đó, ngày 17.5, dư luận thế giới đã tỏ ý lo ngại nguy cơ Hy Lạp rút khỏi Eurozone sau khi nước này tuyên bố tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn lần hai trong vòng chưa đầy 2 tuần, một sự kiện được đánh giá có thể mang lại chiến thắng cho Liên minh các lực lượng cực tả Syriza, vốn phản đối những cải cách mà Athen buộc phải thực hiện để nhận được cứu trợ vỡ nợ từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cho rằng các nhà lãnh đạo chính trị ở Hy Lạp cần tỏ rõ quyết tâm muốn nước này tiếp tục ở lại Eurozone bằng cách tuân thủ các điều kiện nhận cứu trợ. Bà nhấn mạnh việc Hy Lạp rút khỏi Eurozone sẽ gây tổn thất nặng nề về tài chính và tác động xấu đến nhiều nước khác.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick nhận định cuộc khủng hoảng nợ công trong Eurozone hiện là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu. Nếu Hy Lạp rút khỏi Eurozone, quyết định này sẽ có tác động tàn phá, tạo hiệu ứng "domino" ở Tây Ban Nha và Italia, giống như vụ ngân hàng Lehman Brothers của Mỹ sụp đổ gây khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Trọng Vũ