Dân Việt

500 ngày ròng rã đi kiện chồng bạo hành của vợ giáo sư danh tiếng

31/03/2013 06:12 GMT+7
(Dân Việt) - Tháng 2 vừa qua, Kim Lee, vợ của một giáo sư danh tiếng ở Trung Quốc, bị chồng bạo hành dã man đã được Tòa án Bắc Kinh đồng ý cho ly hôn.

Chấm dứt những ngày tháng sống dưới đòn roi của chồng, Kim Lee đã trở thành biểu tượng đấu tranh cho bạo lực gia đình ở Trung Quốc.

Ngày rời nước Mỹ để theo chồng về Bắc Kinh sinh sống, Kim Lee không bao giờ tưởng tượng được rằng, cô sẽ phải chịu đau đớn dưới chính nắm đấm thép của người chồng mà cô yêu thương. Chồng Lee là ông Lý Dương - giáo sư tiếng Anh nổi tiếng ở thành phố Bắc Kinh. Cuộc hôn nhân của họ trôi qua trong yên bình cho đến khi đứa con gái thứ ba chào đời.

 img
Giáo sư Lý Dương và vợ Kim Lee.

"Nói chuyện" với vợ bằng… cú đấm thép

Giáo sư Lý Dương nổi tiếng trong ngành giáo dục ở Trung Quốc bởi phương pháp dạy tiếng Anh của ông không giống bất kỳ ai. Ông thường nhấn mạnh đến phương pháp học bằng miệng, thậm chí là học bằng cách la hét. Phương pháp này đã thu hút khoảng 20 triệu học viên.

Kiếm tiền từ sự nổi tiếng này, Lý Dương đã sở hữu khoảng 20 ngôi nhà và bất động sản ở Quảng Châu, Bắc Kinh, có cổ phần chứng khoán trong 5 công ty và sở hữu 23 nhãn hiệu đã được đăng ký.

Giết chồng vì bị chồng đánh

Khi ủng hộ Kim Lee trong cuộc chiến chống lại bạo hành gia đình, những người ủng hộ đã choáng váng khi biết đến số phận của một phụ nữ khác ở Tứ Xuyên. Đó là cô Li Yan, người đã ra tay giết chồng trong một cơn kích động. Li Yan bị chồng đánh đập tàn ác trong những năm chung sống. Trong một lần chống trả quyết liệt, cô đã dùng dao đâm chết chồng mình. Án tử hình đang chờ Li Yan trong những ngày sắp tới. Tuy nhiên, có khoảng 100 luật sư và học giả đã kiến nghị xem lại án tử hình cho người phụ nữ này.

Cuộc sống khá giả của vợ chồng Kim Lee và Lý Dương là niềm khao khát của rất nhiều người. Kim Lee là một phụ nữ Mỹ, nhưng khi yêu và lấy chồng Trung Quốc, cô cũng đã chọn cho mình một cái tên tiếng Trung và chịu khó tìm hiểu những phong tục, tập quán quê hương chồng để dễ dàng thích nghi.

Ai cũng khen họ may mắn lấy được nhau. Kim Lee thì có chồng danh tiếng, giàu có, còn Lý Dương thì lấy vợ nước ngoài nhưng không bị Tây hóa.

Cuộc sống viên mãn này tưởng chừng sẽ kéo dài suốt cuộc hôn nhân của họ, nhưng mọi việc bắt đầu rạn nứt kể từ năm 2006. Lúc đó, Kim Lee vừa mới sinh cô con gái thứ hai. Kim Lee vẫn nhớ như in lần đầu tiên bị chồng đánh. Đó là những cú đấm như thép giáng xuống đầu và mặt cô.

Đôi khi vợ chồng cãi nhau, bất đồng quan điểm cô cũng bị đánh. Có lúc không vì lý do gì rõ ràng, nhưng giáo sư Dương vẫn sử dụng đòn roi để “nói chuyện” với vợ. Lee nhớ lại khoảng 10 hay 12 lần gì đó, ông Dương đã ngồi trên lưng cô, đập đầu cô xuống sàn nhà và chưa kể vô số lần đấm đá túi bụi vào mặt và người. Đòn roi tăng dần và đỉnh điểm nhất là vào tháng 8.2011, lúc đó Kim Lee đã sinh cô con gái thứ ba.

Phá vỡ sự im lặng

Quá uất ức trước sự vũ phu của chồng, tháng 9.2011, Kim Lee lần đầu tiên phá vỡ sự im lặng bằng cách đăng những hình ảnh khuôn mặt bị đánh đập, rỉ máu của cô trên mạng internet. Câu chuyện của Kim Lee nhanh chóng lan truyền và chỉ trong một đêm có khoảng 20.000 người ghé xem những bức hình này.

 img
Người ủng hộ kêu gọi lên án Lý Dương, bảo vệ Kim Lee.

Những lời nhắn nhủ của cộng đồng mạng để lại đã giúp Kim Lee hiểu rằng, đó không chỉ là vấn đề của riêng cô mà rất nhiều phụ nữ khác ở khắp nơi trên đất nước Trung Quốc cũng đang phải cắn răng chịu cảnh sống dưới đòn roi của chồng.

Kim Lee nói rằng, động lực chính mang lại cho cô sức mạnh để tiếp tục cuộc hành trình này là không ai làm gì để giúp cô cả. Việc đầu tiên là Kim Lee đến trình báo với cảnh sát nhưng họ nói đó là chuyện trong nhà và cần phải giải quyết trong gia đình với nhau. Sau đó Lee tìm đến Hội liên hiệp phụ nữ.

Câu trả lời mà cô nhận được cũng chỉ là “chúng tôi sẽ liên lạc lại sau” và Lee cũng không có được cuộc gọi đó. Lee nói chuyện với mẹ đẻ của mình nhưng cũng chỉ nhận được lời an ủi ráng chịu đựng.

Lee cảm thấy bế tắc thực sự nhưng cô không thể buông xuôi, không thể sống mòn bằng kiếp sống của một người vợ bị bạo hành được. Lee nghĩ đến 3 cô con gái bé nhỏ của mình, nghĩ đến tương lai của các con, nghĩ đến cảnh con gái mình sau này không may cũng bất hạnh như cô… Tất cả đã thôi thúc Kim Lee phải đấu tranh bằng được, để chống lại nạn bạo hành.

 img
Kim Lee và những giọt nước mắt vui mừng sau phiên xử cuối cùng.

Lee bắt đầu những hoạt động kêu gọi của riêng mình, đó là thời điểm những tháng cuối năm 2011. Trong tiết trời lạnh như thấu da thịt và băng giá ở Bắc Kinh, cô dâu ngoại quốc này đã đứng hàng tiếng đồng hồ dưới tuyết, cầm biểu ngữ ghi rõ: “Tôi là nạn nhân của bạo hành gia đình” và kêu gọi chấm dứt nạn đánh vợ.

Câu chuyện của Lee đã làm xúc động rất nhiều người qua lại. Cùng với sự nổi tiếng của Lý Dương, dần dà, câu chuyện này đã thu hút được sự chú ý của dư luận Trung Quốc. Nhiều người đã lên tiếng ủng hộ Kim Lee, cùng cô góp tiếng nói kêu gọi chống lại bạo lực gia đình.

Phải mất hơn một năm trải qua các thủ tục tố tụng ly hôn, ngày 4.2.2013, Tòa án nhân dân quận Chaoyang ở Bắc Kinh đã đồng ý cho Kim Lee ly hôn.

Tòa cũng xử để Kim Lee được chia tài sản trị giá 12 triệu tệ và Lý Dương phải bồi thường 50.000 tệ cho sự thống khổ mà Kim Lee phải chịu đựng trong suốt cuộc hôn nhân ngược đãi. Ngoài ra, Lý Dương cũng phải chi trả 100.000 tệ mỗi năm để trả tiền nuôi 3 cô con gái của ông. Chiến thắng của Kim Lee đã mở ra hy vọng cho rất nhiều phụ nữ Trung Quốc, dám nói lên sự thật để bảo vệ chính mình.

Sẽ có “Luật cấm đánh vợ”?

Bạo lực gia đình là một vấn nạn lâu đời ở Trung Quốc, nơi có khoảng 25% phụ nữ bị chồng đánh đập. Nhưng nhà chức trách thường không thể ngăn chặn tệ nạn này vì không có một bộ luật cấp quốc gia để giải quyết vấn đề. Mới đây các tổ chức tranh đấu cho quyền lợi của phụ nữ đã hối thúc chính phủ ban hành luật bạo hành gia đình trong lúc diễn ra hội nghị thường niên của Quốc hội Trung Quốc. Một dự thảo luật đã được mang ra thảo luận tại các cuộc họp nhưng không được thông qua. Các nhân vật tranh đấu nói rằng, luật này có thể sẽ được thông qua trong vài tháng tới đây nhưng cũng có thể phải mất nhiều năm nữa.

Theo Dòng Đời