Thách thức thưởng Tết
Năm 2010, mức thưởng bình quân của doanh nghiệp nhà nước là 2,2 triệu đồng/người, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 1,9 triệu đồng/người.
Theo bà Nguyễn Thị Dân – Trưởng phòng Lao động tiền công tiền lương – Sở LĐ-TB&XH, những ngành có mức thưởng ở tốp cao nhất năm nay vẫn là tài chính ngân hàng, tư vấn luật, dịch vụ, xuất nhập khẩu, chứng khoán, bảo hiểm… nhưng sẽ không bằng năm ngoái, do các doanh nghiệp cũng chỉ vừa mới phục hồi sau khủng hoảng, suy thoái kinh tế.
Công nhân may mặc, giày da vẫn nằm trong nhóm ngành có mức thưởng Tết thấp. |
Theo thống kê, hiện có khoảng 10% số doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn trong việc trả lương, thưởng do hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó, công nợ khó đòi, hoặc vì công ty mới thành lập...
Các ngành nghề kỹ thuật cao như kỹ thuật, điện tử, sản xuất chip, vi mạch… sẽ thưởng khá. Riêng các ngành như dệt may, giày da… vẫn nằm trong nhóm thưởng thấp, việc đảm bảo được tháng lương thứ 13 là đã mừng rồi.
Ông Phạm Văn Hùng – Phó Giám đốc Công ty Ba Huân thông tin, hiện công ty vẫn chưa có tính toán cụ thể nhưng sẽ cố gắng giữ mức thưởng ngang bằng Tết 2010. Ngoài tháng lương thứ 13, sẽ có chế độ thưởng Tết cho các cán bộ công nhân viên. “Với tình hình hiện nay, việc giữ được mức thưởng như năm ngoái đã là một thách thức. Tuy nhiên, dù thế nào, chúng tôi cũng gắng xoay xở” – ông Hùng cho biết.
Một cán bộ Sở LĐ-TB&XH TP.HCM nhận xét, dù năm ngoái mức thưởng Tết của nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đứng đầu trong các khối với 389 triệu đồng/cá nhân, nhưng năm nay khả năng sẽ thấp hơn. “Do tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, kết quả không như mong đợi nên chắc doanh nghiệp FDI sẽ khó “hào phóng” chia thưởng cho người lao động.
Không để người lao động “không có Tết”
Bà Nguyễn Thị Dân cho biết, Sở LĐ-TB&XH đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp phải thông tin mức lương, thưởng, các khoản hỗ trợ, thời điểm chi trả để người lao động biết trước ngày 31-12-2010.
Các doanh nghiệp gặp khó khăn cần báo cáo nhanh với Công đoàn cơ sở, người lao động, phòng LĐ-TB&XH để cùng hỗ trợ, không để người lao động nào “không có Tết”.
“Tùy tình hình, Sở sẽ phối hợp cùng các ban, ngành hỗ trợ tích cực người lao động, tạo điều kiện cho những người xa nhà, những người nhiều năm không được về quê ăn Tết, kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ tàu xe cho người lao động hoặc tổ chức vui Xuân tại nơi người lao động làm việc” – bà Dân chia sẻ.
Theo bà Dân, cho đến thời điểm này, số vụ tranh chấp lao động tập thể về tiền lương trong năm 2010 giảm, không có xung đột gay gắt. Tuy nhiên, bà cũng lưu ý, đang có độ chênh lệch rất lớn giữa mức thưởng của người lao động và cán bộ, doanh nghiệp nên rút ngắn khoảng cách này để người lao động yên tâm gắn bó. Chắc chắn hiệu quả hoạt động năm sau sẽ cao khi doanh nghiệp thưởng thỏa đáng với sức lao động.
Về trường hợp nếu doanh nghiệp không đưa tiền thưởng Tết vào hợp đồng lao động hoặc thỏa ước LĐ tập thể, thậm chí, có doanh nghiệp còn báo cáo lỗ để tránh thưởng Tết cho người lao động, ông Hồ Xuân Lâm – Trưởng phòng Quản lý lao động thuộc Ban quản lý các KCX-KCN TP.HCM (Hepza) nhấn mạnh: “Có hơn 60% doanh nghiệp tại Hepza thực hiện thỏa ước lao động tập thể, có ghi rõ việc thưởng lương tháng thứ 13.
Nếu thua lỗ, chủ doanh nghiệp và người lao động sẽ thương lượng để hạ mức thưởng. Trường hợp không thể thưởng Tết thì chúng tôi vận động các doanh nghiệp khác trong khu vực giúp người lao động tiền tàu xe về quê ăn Tết, hỗ trợ và tặng quà cho họ.
Nguyên Nghi