Myanmar là một quốc gia Đông Nam Á, nằm ở phía Tây Bắc bán đảo Trung-Ấn. Những năm gần đây, Myanmar được xem như là một điểm đến quen thuộc của các nhà đầu tư quốc tế, do được đánh giá là thị trường tiềm năng mới nổi của Châu Á thông qua sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc... Mới đây, Chính phủ Myanmar đã phê duyệt dự án xây dựng sân bay quốc tế Hanthawaddy của một liên doanh Hàn Quốc có trị giá 1,1 tỉ đô-la Mỹ. Đây được xem là một bước tiến quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đầu tư và thu hút du khách tới quốc gia này.
Myanmar có nhiều ngôi chùa với vẻ đẹp kinh ngạc.
Trên thực tế, du khách đến tham quan Myanmar thường không thể bỏ qua các tour khám phá đền chùa với những ngôi chùa hàng ngàn năm tuổi. Chùa chiền là trung tâm của đời sống văn hóa và tinh thần người dân Myanmar. Ở Myanmar, các nhà sư được sùng kính và người dân luôn quỳ trước mặt để tỏ lòng tôn trọng họ. Người dân Myanmar sùng đạo Phật, tại bất kỳ thành phố, thị xã nào đều có ít nhất một ngôi chùa và một tu viện Phật giáo. Đạo Phật có ảnh hưởng rất lớn ở Myanmar, cuộc sống của người dân không tách rời các nghi lễ Phật giáo.
Hiện tại Vietnam Airlines đang khai thác 3 chuyến bay mỗi tuần vào các ngày thứ 3, thứ 5 và Chủ Nhật từ TP.HCM đến Yangon (Myanmar). Chuyến bay số hiệu VN 943 sẽ khởi hành lúc 11h40 và đến nơi lúc 13h25 tại sân bay quốc tế Yangon cách trung tâm thành phố 19km. Hành trình TP.HCM đến Yangon có các hạng vé Tiết kiệm, Bán phổ thông, Phổ thông và Thương gia. Trong đó, giá vé khứ hồi hạng phổ thông chặng bay này từ 3.780.000 đồng tương đương 180 đô-la Mỹ, chưa bao gồm thuế và các loại phí. Hành trình quốc tế không tính thuế giá trị gia tăng VAT 10% như các hành trình bay nội địa. Với các chuyến bay khứ hồi từ TP.HCM đi Yangon, giá vé sẽ cộng thêm: Phí dịch vụ sân bay Tân Sơn Nhất là 420.000 đồng tương đương 20 đô-la Mỹ, tại sân bay Yangon là 210.000 đồng tương đương 10 đô-la Mỹ, phụ phí xăng dầu là 1.890.000 tương đương 90 đô-la Mỹ, phí dịch vụ là 147.000 đồng, tương đương 7 đô-la Mỹ.
|
Myanmar có hàng vạn đền, chùa tháp, nằm rải rác trên khắp đất nước. Vì vậy, cũng như Campuchia, Myanmar còn được gọi là đất nước Chùa tháp. Chùa tháp tập trung nhiều nhất ở thành phố Bagan với khoảng hơn 4.000 đền, chùa, tháp lớn nhỏ trên diện tích khoảng 40km
2. Nhiều chùa, tháp được xây dựng từ đầu thế kỷ nguyên Bagan (thế kỷ 11), trên các đỉnh núi cao hơn mặt nước biển hàng nghìn mét. Các ngọn tháp cất giữ xá lợi Phật là những cấu trúc liền khối hình nón với một căn phòng chứa báu vật ở bên dưới. Khu nền bao quanh ngọn tháp là nơi dành cho khách hành hương cầu nguyện, thiền định, tụng kinh hay dâng hương. Những kiến trúc Phật giáo khác gồm có: Tượng Phật - được dựng ngoài trời hay dưới một mái che, Phật đường - là nơi tổ chức thuyết pháp và các buổi lễ. Ở lối vào những ngôi đền, chùa lớn thường có nhiều quầy bán hoa tươi, cành lá, nến, vàng thếp, những chiếc dù, quạt nhỏ bằng giấy màu để dâng lên Đức Phật...
Myanmar cũng có rất nhiều thiền viện - là nơi ở của các nhà sư. Các Phật tử trong và ngoài nước thường tới thiền viện để tỏ lòng kính trọng và dâng đồ cúng dường như thức ăn, tiền bạc, áo cà sa và vật dụng cho các sư. Phật tử có thể lưu lại cả tuần, cả tháng, cả năm trong thiền viện để học thiền, nghe thuyết pháp hay nghiên cứu Phật pháp.
Không những thế, Myanmar còn là một đất nước có bề dày lịch sử và văn hóa được bảo tồn và lưu giữ nguyên vẹn đến hôm nay. Đặc biệt, những ngôi chùa độc đáo và lối sống có một không hai của người dân Intha, một dân tộc của Myanmar đã tạo được dấu ấn khó phai mờ trong lòng du khách. Một trong những ngôi chùa nổi tiếng bậc nhất ở Myanmar là Shwedagon. Chùa Shwedagon (còn gọi là chùa vàng) ở Yangon là chùa tháp lớn nhất và đẹp nhất Myanma, được hình thành từ 2.500 năm trước và được các triều đại phong kiến Miến Điện tu bổ, mở rộng dần. Chùa Shewdagon tọa lạc trên một quả đồi cao, rộng, trên đỉnh tháp gắn nhiều kim cương, hồng ngọc, bích ngọc và các loại đá quý, chùa được dát vàng nên lấp lánh dưới ánh mặt trời vào ban ngày và ánh điện về ban đêm.
Hình ảnh chùa chiền với lối kiến trúc cổ, độc đáo ở Myanmar.
Chùa Shwedagon (hay Chùa Vàng) còn là ngôi chùa có độ cao đến 98m, bao gồm 1.000 đơn thể chùa bao quanh tòa tháp trung tâm. Trong đó, 72 ngôi chùa nhỏ bằng đá có thờ tượng Phật bên trong. Từng tượng Phật đều được tạc với hình dáng thanh thoát tuyệt mỹ, từng vòm mái chùa cong vút được chạm khắc tinh xảo. Tầng dưới chùa được dát 8.688 lá vàng. Tầng trên được dát 13.153 lá vàng. Trên tháp có gắn 5.488 viên kim cương, 2.317 viên đá ruby, saphire và các loại đá quý khác với nhiều kích cỡ, có 1.065 chuông vàng, đặc biệt trên đỉnh có gắn một viên kim cương 76 carat. Tổng số vàng dát trên ngôi chùa được ước tính khoảng 60 tấn nên người dân nơi đây vô cùng tự hào và cho rằng: Vàng của nó phát sáng đến mức có thể nhìn thấy toàn thành phố Yangon.
Còn đến với chùa Golden Rock (Đá Vàng) sẽ phải mất nhiều thời gian, du khách mới xóa được cảm giác ngạc nhiên trước sự tồn tại đã hơn 2.500 năm của một ngôi chùa bằng đá dát vàng nằm trên tảng đá hàng trăm tấn cũng được dát vàng. Ngôi chùa đứng chênh vênh trên vách núi có độ cao hơn 1.700m so với mực nước biển. Tương truyền, trước khi nhập niết bàn, Đức Phật đã đi qua đây. Giác ngộ được tư tưởng của Đức Phật, một vị tu sĩ đã chuyên tâm tu luyện Phật pháp. Với sức mạnh của mình cùng sự tiếp sức của Phật, vị cao tăng này đã chuyển khối đá nặng hàng trăm tấn từ dưới biển lên vách đá rồi xây trên đó một ngôi kim bảo tháp. Đó chính là Golden Rock ngày nay.
Người dân nơi đây cũng như du khách thường đến thắp nhang vào lúc xế chiều, sau đó ngắm chùa đến tận tối. Việc làm cuối cùng của họ trước khi ra về là cùng những người giữ chùa thắp nến quanh chùa để cầu an. Họ tin tưởng tuyệt đối vào sự linh thiêng của chùa, bởi nơi đây còn lưu giữ 8 sợi tóc của Đức Phật Thích Ca.
Đến Myanmar, du khách có thể cùng hoà vào dòng người đi lễ chùa. Theo truyền thống, người Myanmar đi chùa từ sáng sớm, lúc mặt trời mọc, họ dâng hoa tươi, trái cây tươi lễ Phật, và dâng những lá vàng dát mỏng dát tiếp lên chùa, lên tượng Phật. Họ cầu nguyện cho gia đình, bạn bè, người thân, cầu chúc những điều may mắn tốt lành cho sức khoẻ, công việc. Điều đặc biệt ở đất nước Phật giáo này là có những khu vực cầu nguyện dành riêng cho từng ngày thứ trong tuần. Những người sinh ra vào ngày thứ nào đến khu vực của ngày thứ đó vào đúng ngày thứ đó của tuần lễ để cầu nguyện, cảm tạ trời đất, cha mẹ đã cho họ sinh ra vào ngày đó...