Ông Bahman Kargar, chỉ huy phó cảnh sát Iran phụ trách các vấn đề xã hội cho biết phụ nữ Iran bị cấm tới nơi công cộng theo dõi các trận đấu ở EURO 2012 vì “môi trường không thích hợp”.
“Khi cùng nam giới xem bóng đá ở nơi công cộng, sẽ có những điều không hay ảnh hưởng tới phụ nữ. Rất có thể vào lúc hưng phấn, quá khích, nam giới sẽ có những lời chửi rủa hoặc nói đùa thô tục. Phụ nữ có mặt vào lúc đó sẽ mất phẩm giá”.
Các trận đấu ở EURO 2012 được phát sóng trên hệ thống truyền hình nhà nước Iran. Một số trận cầu thu hút sẽ được chiếu ở rạp chiếu phim và một số địa điểm công cộng để không khí bóng đá được sống động nhất. Tại kỳ World Cup 2010 và AFC Asian Cup 2011, các tụ điểm này đã thu hút đông đảo chị em phụ nữ tới cùng gia đình. Nhưng nay thì không.
Là một quốc gia Hồi giáo theo quan điểm cứng rắn, phụ nữ Iran phải sử dụng bể bơi riêng, bãi biển riêng và công viên riêng. Vì vậy, dễ hiểu khi phụ nữ Iran bị cấm xem bóng đá ở các điểm công cộng.
6 năm trước, Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đã làm nức lòng những phụ nữ hâm mộ môn thể thao “vua” khi hứa hẹn từ nay họ và gia đình (ý chỉ các con nhỏ) sẽ được dành cho các khán đài tốt nhất tại sân vận động.
Ông còn nói rằng sự hiện diện của phụ nữ cùng gia đình tại nơi công cộng sẽ quảng bá cho các giá trị đạo đức. Nhưng lời hứa này lập tức vấn phải sự phản đối mạnh mẽ của các nghị sĩ cực bảo thủ trong Quốc hội.
Trước đó, năm 2005, một số phụ nữ đã biểu tình trước sân vận động quốc gia Azadi, đòi được vào xem và cổ vũ cho đội nhà thi đấu tranh suất dự World Cup. Hành động này đã tạo cảm hứng cho bộ phim “Offside” nói về một số nữ sinh Iran giả trai để được vào sân vận động.
Thảo Thư