Giới phân tích đã bày tỏ sự lo ngại rằng việc Mỹ có những lời lẽ và hành động quân sự cứng rắn bất thường trước những lời đe dọa ngày càng dữ dội của Triều Tiên, có thể đẩy bán đảo này vào một ván cờ nguy hiểm. Ngày 1.4, những chiếc máy bay ném bom tàng hình của Mỹ tiếp tục được điều đến Hàn Quốc, như gửi một thông điệp từ Mỹ rằng, “chúng tôi đã sẵn sàng chiến đấu”.
Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un liên tiếp đưa ra những đe dọa với Hàn Quốc và Mỹ |
Cùng với Mỹ, Hàn Quốc cũng tỏ ra cứng rắn hơn bao giờ hết. Ngày 1.4, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đã chỉ thị cho các lực lượng vũ trang nước này "đáp trả mạnh mẽ" trong trường hợp Triều Tiên có hành động khiêu khích. Tổng thống Park nhấn mạnh, trong giai đoạn đầu, lực lượng vũ trang Hàn Quốc cần đáp trả mạnh mẽ mà không cần tính đến yếu tố chính trị. Tuyên bố của bà Park Geun Hye được đưa ra vào thời điểm căng thẳng leo thang trên Bán đảo Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tiếp tục đưa ra những lời đe dọa hiếu chiến.
Một kịch bản dường như đã trở thành lối mòn, đó là sau khi đẩy những căng thẳng đến cao trào, Bình Nhưỡng sẽ hạ nhiệt dần và sau đó thì trở lại tình trạng bình thường. Giới phân tích nhận định Triều Tiên khó có thể phát động một cuộc tấn công tổng lực, đồng thời cho rằng những đe dọa của Bình Nhưỡng nhiều khả năng chỉ là nỗ lực nhằm khiến tân Chính phủ Hàn Quốc phải có chính sách mềm mỏng hơn và buộc Washington ngồi vào bàn đàm phán ngoại giao để có thể nhận thêm viện trợ, cũng như góp phần củng cố hình ảnh nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un và uy tín của quân đội.
Tuy nhiên, trong tình hình khủng hoảng hiện nay, nhất là trong hoàn cảnh Triều Tiên đang phản ứng một cách dữ dội trước các lệnh trừng phạt mới của Liên hợp quốc và kế hoạch tập trận chung Mỹ - Hàn, bối cảnh và các bên tham gia có phần khác hẳn so với những lần trước.
Theo chuyên gia phân tích Bruce Klingner, thuộc Quỹ Di sản tại Washington thì nguy cơ “tính toán sai lầm” từ phía nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un với tuổi đời chưa quá 30 là rất cao. Trên thực tế, những cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Mỹ, không chỉ làm cho Triều Tiên “sôi sục” mà còn khiến cho Bình Nhưỡng phải tốn thêm một khoản tài chính, vì phải đặt quân đội trong tình trạng báo động và huy động toàn bộ binh sĩ mà trong đó, không ít người thường được dùng trong các hoạt động kinh tế.
Mặt khác, hệ thống tuyên truyền của Triều Tiên cũng lợi dụng tình trạng căng thẳng để phô trương tư thế lãnh đạo thời chiến cho nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un, giúp ông củng cố thêm quyền lực mới chỉ được tiếp nhận cách đây hơn một năm và khẳng định vị thế của mình trước giới tướng lĩnh.
Thế nhưng, những hành động khiêu khích hiếu chiến của Triều Tiên đã lại có hệ quả là làm cho hai đồng minh Mỹ - Hàn củng cố hệ thống phòng thủ vì không chấp nhận hành động dọa nạt.
Và không chỉ giới phân tích, các nhà lãnh đạo trên thế giới cũng đã bắt đầu lên tiếng chỉ trích những tuyên bố “tình trạng chiến tranh” của Bình Nhưỡng. Các nước như Anh, Australia và Mỹ - La tinh đều cho rằng, ngông nghênh như thế, chỉ càng khiến cho Triều Tiên rơi vào thế bị cô lập với thế giới, làm suy yếu các nỗ lực hòa bình, ổn định ở khu vực Đông Bắc Á.
Quang Minh (tổng hợp)