Dân Việt

Sữa lại tăng giá: Vẫn ngoài tầm kiểm soát

02/04/2013 08:28 GMT+7
(Dân Việt) - Giá trị của mỗi hộp sữa sau mỗi lần tăng là khác nhau. Số tiền phải trả cho mỗi lần tăng càng ngày càng lớn về giá trị tuyệt đối. Do vậy người tiêu dùng ngày càng bị móc túi sâu hơn.

Bước vào đầu tháng 4, nhãn hiệu Nestlé tiếp tục đẩy giá các sản phẩm của mình tăng 8-9%. Cụ thể, sữa Nan 1 Pro 800g tăng từ 359.000 đồng lên 391.000 đồng/hộp, Nan 2 DHA Pro 800g từ 342.000 đồng tăng lên 374.000 đồng/hộp. Sữa Physiolac cũng tăng giá 15%. 

Cụ thể, Physiolac dinh dưỡng dành cho trẻ từ 0-6 tháng tuổi loại 900g từ 412.000 đồng tăng lên 474.000 đồng/hộp, Physiolac dành cho trẻ từ 1-3 tuổi loại 900g từ 186.000 đồng tăng lên 225.000 đồng/hộp.

img
Bước vào đầu tháng 4, rất nhiều hãng sữa thông báo tăng giá.

Qua theo dõi từ ngày 1.1 đến nay, một số công ty sản xuất, phân phối, kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã chính thức tăng mạnh giá bán. Theo đó, Công ty TNHH Mead Johnson Nutrison (Việt Nam) tăng giá 15 mặt hàng, mức tăng 15-16%; Công ty TNHH Phân phối Tiên Tiến, phân phối sản phẩm của Công ty TNHH Mead Johnson Nutrison (Việt Nam) tăng 9-10% cho 3 mặt hàng; Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam gửi kê khai giá 40 mặt hàng, mức tăng 9%.

Theo thông báo của các hãng sữa, mỗi đợt tăng chỉ dao động từ 5-10% so với mức giá cũ. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ, giá trị của mỗi hộp sữa sau mỗi lần tăng là khác nhau. Lần tăng 10% lúc giá sữa 395.000 đồng/hộp khác với mức tăng 8% khi giá sữa lên 391.000 đồng/hộp. Số tiền phải trả cho mỗi lần tăng càng ngày càng lớn về giá trị tuyệt đối. Do vậy người tiêu dùng ngày càng bị móc túi sâu hơn.

Thực chất sự phức tạp của giá sữa đã được đề cập nhiều lần, trong đó kiểm soát giá đầu vào là một bài toán chưa có lời giải. Đặc biệt, việc "chuyển giá", "làm giá" ở ngoài biên giới. Đồng thời gần như chưa có thống kê chi phí quảng cáo cho mặt hàng này là bao nhiêu.

Rõ ràng đã đến lúc việc quản lý giá sữa bằng biện pháp hành chính như lâu nay cần thay đổi, chúng không đem lại hiệu quả, mà ngược lại còn khiến cho hiệu năng quản lý nhà nước yếu, luật pháp sơ hở. Trong đó những chức năng quản lý chỉ nắm được phần ngọn, để cho các hãng sữa mặc sức tung hoành.