Dân Việt

Khám phá sông Hồng

19/12/2010 06:57 GMT+7
(Dân Việt) - Cách Hà Nội 28km, những đôi lứa yêu nhau tới đây đặt cho đền thờ Tiên Dung - Chử Đồng Tử một cái tên lãng mạn: "Ngôi đền tình yêu". Bên kia sông là bãi Tự Nhiên...

Khởi hành từ bến Chương Dương (Hà Nội), cảm nhận đầu tiên của tôi khi đặt chân lên tàu là một không gian trong lành đan xen cảm xúc "háo hức" khi bắt đầu hành trình khám phá những giá trị văn hoá lịch sử và cuộc sống thanh bình của người dân bên bờ sông Hồng.

Gió thổi lồng lộng mang theo hơi thở, sức sống của dòng sông chở nặng phù sa. Tàu nhẹ nhàng lướt đi, cầu Thanh Trì, rồi làng cổ Bát Tràng - những nơi dường như quen thuộc hàng ngày - nay hiện ra trước mũi tàu dưới góc nhìn thật lạ cùng vẻ đẹp nên thơ, trữ tình.

img
Sông Hồng - dòng sông truyền tải nhiều dấu ấn văn hóa

Tàu ghé vào đền Dầm, đền Đại Lộ - điểm dừng chân đầu tiên - sau khoảng hơn 2 tiếng khởi hành. Đền Dầm cổ kính rêu phong là nơi thờ tự chính Mẫu Đệ Tam. Nơi đây nổi tiếng với cây đa mà ngày xưa, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn buộc ngựa, nghỉ chân.

Khách tham quan sẽ được nghe kể sự tích cây thị nghìn năm trước khi tiếp tục hành trình đến với đền thờ Tiên Dung - Chử Đồng Tử. Cách Hà Nội 28km, những đôi lứa yêu nhau tới đây đặt cho đền một cái tên lãng mạn: "Ngôi đền tình yêu". Bên kia sông là bãi Tự Nhiên, hay bãi Thiên Mạc, tức "Màn trời", nơi xưa kia, theo tích truyện, công chúa Tiên Dung quây màn để tắm và đã gặp chàng Chử Đồng Tử đang vùi mình trong cát...

Điểm đến tiếp theo nằm trên đường về, ngược dòng Hồng Hà là làng cổ Bát Tràng - nơi nổi tiếng với những sản phẩm gốm sứ tuyệt đẹp. Trong thời gian ở trên tàu, mọi người sẽ được thưởng thức bữa trưa với những món ăn đặc trưng của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Cùng lúc đó, trên sân khấu, các liền anh, liền chị cũng góp vui bằng nhiều làn điệu quan họ mượt mà, đằm thắm.

Cập bến vào Bát Tràng, du khách sẽ có dịp khám phá những lối ngõ cổ quanh co. Đời sống hiện đại dường như không làm mất đi vẻ đẹp mộc mạc vốn có của ngôi làng có bề dày lịch sử. Tại đây, bạn có thể tự tay nhào nặn một món đồ gốm nào đấy mà mình thích dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân.

Dạo chợ gốm sứ để tìm cho mình một vài món đồ kỷ niệm hay khám phá những điều kỳ diệu từ đất, lửa qua bàn tay khéo léo của con người là thú vui không thể bỏ qua trước khi trở lại tàu để quay về Hà Nội.