Dân Việt

Nghề trồng cỏ “đóng băng” theo bất động sản

02/04/2013 06:50 GMT+7
(Dân Việt) - Đã có một thời, cỏ nhung là giống cây đem lại thu nhập cao cho nông dân. Song do bất động sản đóng băng, các công trình xây dựng giảm, nên nghề trồng cỏ cũng… đóng băng theo.

Nghề trồng cỏ nhung Nhật Bản ở Phú Diễn (Từ Liêm, Hà Nội) có từ đầu năm 1994 và đến những năm 2000, cả thôn Phú Diễn đã có hơn 20 hộ chuyên canh cỏ nhung, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động trên địa bàn.

Theo đánh giá của các hộ nơi đây, cỏ nhung Nhật Bản dễ trồng, có khả năng chịu hạn, chịu úng tốt, ít bị sâu bệnh và mất mùa như các giống cây trồng khác. Cỏ cho thu hoạch 2 lần vào giữa năm và cuối năm. Với giá bán khoảng 30.000 – 50.000 đồng/m2 tùy theo thời điểm và nhu cầu của khách hàng, mỗi năm người trồng có thể thu lãi từ 7 – 8 triệu/sào, cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa.

img
Cỏ nhung Nhật Bản dễ trồng, dễ chăm sóc.

Tuy nhiên, sự đóng băng của thị trường bất động sản với hàng loạt công trình xây dựng bị đình trệ đã khiến người trồng cỏ nhung lao đao vì không có thị trường tiêu thụ.

Chị Nguyễn Thị Hà (Phú Diễn, Phú Minh) bộc bạch: “Trước đây, nhiều hộ còn thuê thêm đất để trồng. Giờ cỏ không bán được, đất chuyển đổi cho các dự án, một số gia đình đã chuyển sang trồng rau và các loại cây ăn quả như xoài, bưởi”.

Theo chị Hà, giá cỏ nhung hiện tại chỉ còn dao động từ 25.000 – 30.000 đồng/m2. Thay vì trồng 2 -3 vụ/năm, nhiều gia đình đã thu hẹp diện tích trồng cỏ, chỉ còn trồng một vụ và chuyển sang chuyên canh các giống hoa màu khác.

“Cỏ lên cao vì qua mùa thu hoạch mà không có người mua, chúng tôi phải thường xuyên ra đồng cắt tỉa và đánh giống cỏ cũ ra trồng vụ mới ” – bà Nguyễn Thị Hậu (Phú Diễn) ngao ngán tâm sự.

Theo ông Đặng Văn Lý- Trưởng thôn Phú Diễn, cả thôn hiện nay chỉ còn khoảng 10 hộ trồng cỏ với diện tích khoảng 7ha.

“Khi chưa giao đất cho dự án thì UBND xã hỗ trợ đầu tư, tạo điều kiện cho các hộ thuê ruộng trồng. Sau đó, do đô thị hóa và điều kiện tưới tiêu khó khăn nên các hộ bỏ dần, chỉ còn một số duy trì với diện tích nhỏ” – ông Lý cho biết.