Dân Việt

Triều Tiên có mở cuộc tấn công để giữ thể diện?

02/04/2013 10:59 GMT+7
Để giữ thể diện, liệu nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un sẽ triển khai một số cuộc tấn công có lựa chọn nhắm vào Hàn Quốc, hoặc một số căn cứ của Mỹ trên Thái Bình Dương?

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ABC News ngày 31.3, nghị sĩ Mỹ Peter King, Cựu Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa tại Hạ viện nói rằng trước những lời lẽ đe dọa tấn công quân sự của Triều Tiên thì mối quan tâm chính là liệu nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un có thể biến những lời đe dọa thành hành động hay không.

King lưu ý rằng các tuyên bố của Triều Tiên có thể không phải lời "đe dọa suông. "Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đang cố gắng để chứng minh bản thân. Ông ta đang cố gắng thể hiện là một con người cứng rắn. Mối quan tâm của tôi là liệu ông ta có thể nhận rằng để giữ thể diện, ông ta sẽ triển khai một số cuộc tấn công có lựa chọn nhắm vào Hàn Quốc, hoặc một số căn cứ của Mỹ trên Thái Bình Dương."

img
(Ảnh: AFP)

Tuy nhiên, Alexandre Mansourov, chuyên gia Mỹ từng theo dõi các vấn đề Triều Tiên trong thời gian dài, lại nói: "Những tin tức mới nhất từ Bình Nhưỡng cho thấy có vẻ như tiếng nói của lý trí cuối cùng cũng đã bắt đầu thắng thế trước những lo ngại mù quáng".

Ông trích dẫn nguồn tin của hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho biết tại Hội nghị toàn thể Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động cầm quyền, dưới sự chủ trì của Kim Jong Un, Bình Nhưỡng thay vì đưa ra những đe dọa trực tiếp hơn tại hội nghị, đã đặt ra một đường lối chiến lược mới về "song song xây dựng kinh tế và phát triển vũ khí hạt nhân trên cơ sở tự lực."

Ông Mansourov nói: "Đây là tin tức cả tốt lẫn xấu. Tốt vì nó có nghĩa là lãnh đạo Triều Tiên chắc chắn không dự tính một cuộc tấn công quân sự chống Hàn Quốc và Mỹ trong tương lai gần. Nhưng tin xấu là nó cũng có thể có nghĩa là Triều Tiên có thể sẽ không thương lượng về bất kỳ thỏa thuận hạt nhân nào, bao gồm mọi sự đóng băng hạt nhân hay tạm ngừng thử nghiệm hạt nhân".

Ông lưu ý việc bầu chọn cựu Thủ tướng Pak Pong-ju, nhân vật được xem là tương đối có đầu óc cải cách, làm ủy viên thường trực Bộ Chính trị, có thể là dấu hiệu cho thấy lãnh đạo Triều Tiên tiếp tục quan tâm đến việc thử đổi mới nền kinh tế.

Larry Niksch, một trợ lý cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), thì cho rằng những lời lẽ cay độc gần đây của Bình Nhưỡng có thể là nhằm mục đích đánh lạc hướng Mỹ khỏi mục tiêu trước mắt của Triều Tiên là phát triển một đầu đạn hạt nhân cho tên lửa tầm trung Nodong.

Ông nói: "Triều Tiên rất 'thạo' việc tuyên truyền đưa thông tin đánh lạc hướng đối phương, và có vẻ như họ đang làm việc này. Phát triển một đầu đạn hạt nhân cho Nodong có nghĩa là phát triển một đầu đạn hạt nhân cho tên lửa Shahab-3 của Iran - bản sao của tên lửa Nodong". Niksch lưu ý bằng những lời đe dọa chiến tranh, Triều Tiên còn đánh lạc hướng Mỹ khỏi chú ý đến chương trình hạt nhân của Iran.

Theo Vietnam+