Dân Việt

Ai Cập: Bầu Tổng thống với ám ảnh quá khứ

24/05/2012 06:31 GMT+7
(Dân Việt) - Đúng 8 giờ sáng (13 giờ giờ Hà Nội) ngày 23.5, các điểm bỏ phiếu đã mở cửa trên khắp Ai Cập cho cuộc bầu cử tổng thống lịch sử đầu tiên kể từ sau cuộc nổi dậy của quần chúng lật đổ cựu Tổng thống Hosni Mubarak.

Cuộc bầu cử diễn ra trong 2 ngày 23 và 24.5 tại 13.000 địa điểm bỏ phiếu trong điều kiện an ninh được thắt chặt. Cuộc bầu cử lần này được xem là cuộc bầu cử tự do và công bằng nhất ở Ai Cập trong 60 năm qua. Khoảng 50 triệu cử tri hợp lệ sẽ chọn ra một trong số 12 ứng cử viên tổng thống.

img
Người dân Ai Cập đi bầu cử bầu tổng thống sau cuộc lật đổ ông Mubarak.

Các ứng cử viên tiềm năng gồm cựu Tổng Thư ký Liên đoàn Arập Amr Moussa, cựu thành viên Tổ chức "Anh em Hồi giáo" Aboul Fotouh, thủ lĩnh đảng Tự do và Công lý Mohamed Morsi và cựu Thủ tướng Ahmed Shafiq.

Theo giới quan sát, điều ngạc nhiên nhất là một ngày trước khi cuộc bầu cử diễn ra, kết quả hoàn toàn chưa có gì rõ ràng. Do không ai có khả năng giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu này nên một cuộc bầu cử bổ sung dự kiến diễn ra ngày 16 hoặc 17.6 giữa 2 ứng cử viên có số phiếu ủng hộ cao nhất. Kết quả chính thức sẽ được công bố vào ngày 21.6.

Tất cả 4 ứng cử viên hàng đầu đều xuất thân từ hệ thống cũ, hoặc là từ chế độ của Tổng thống Hosni Mubarak, hoặc là từ lực lượng "Anh em Hồi giáo", đối thủ truyền thống của chế độ trước đây. Ahmed Shafiq, từng là Tư lệnh không quân giống như cựu Tổng thống Hosni Mubarak, nhận được sự ủng hộ của những người muốn quay trở lại thời kỳ Mubarak.

Khả năng giành chiến thắng tại cuộc bầu cử vòng 2 của ứng cử viên Ahmed Shafiq đang làm cho cả phe cách mạng lẫn lực lượng "Anh em Hồi giáo" hết sức tức giận. Ứng cử viên của lực lượng này là Mohammed Morsi đã tìm cách tập hợp những người ủng hộ với những lời phát biểu đả kích nhằm vào những "tàn dư" của chế độ cũ. Tương tự, các đảng phái từng tham gia biểu tình lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak xem việc tái xuất của ông Ahmed Shafiq, người khi còn đương chức Thủ tướng từng ra lệnh đàn áp đẫm máu những người biểu tình, như một hành động phỉ báng cách mạng.

Tuy nhiên, bất chấp những lời công kích trên, tỷ lệ ủng hộ của ứng cử viên Ahmed Shafiq vẫn tăng cao do người dân Ai Cập đã quá chán ngán khi phải chứng kiến những cảnh xung đột bạo lực, tình trạng vô pháp luật ngày càng gia tăng và nền kinh tế kiệt quệ.