Theo đó, WB cho rằng, nền kinh tế Việt Nam bắt đầu đi vào ổn định, việc thắt chặt đáng kể các chính sách kinh tế vĩ mô, cộng với thực trạng môi trường kinh tế toàn cầu không chắc chắn đã gây ra những ảnh hưởng nhất định trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Thực tế tăng trưởng GDP giảm từ 6,8% trong năm 2010 xuống còn 5,9% trong năm 2011 và tiếp tục xuống đến 4,0% trong quý I năm 2012. Nhu cầu trong nước chững lại, ảnh hưởng đến ngành xây dựng, dịch vụ và các ngành tiện ích khác. Việc thắt chặt các chính sách trong nước trong năm 2011 đã làm nản lòng giới đầu tư và tiêu dùng tư nhân.
WB cũng dự báo, tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ vào khoảng 5,7%, và lạm phát cuối năm được dự báo giảm xuống còn dưới 10% trong năm 2012. Trong khi đó, nợ công của Việt Nam có khả năng duy trì tính bền vững nếu đà phục hồi kinh tế vẫn tiếp tục.
Phân tích bền vững nợ tại các quốc gia thu nhập thấp của WB cho thấy Việt Nam vẫn thuộc nhóm nguy cơ thấp trước tình hình nợ nước ngoài. Sự không chắc chắn lớn nhất đối với bền vững nợ xuất phát từ các doanh nghiệp nhà nước - những khoản nợ của các doanh nghiệp này không được liệt kê trong các con số thống kê của nợ Chính phủ hay nợ được Chính phủ bảo lãnh.
Thúy Đăng