Dân Việt

Mỹ hối thúc phê chuẩn công ước về Luật Biển

25/05/2012 10:36 GMT+7
(Dân Việt) - Chính quyền Mỹ đang thúc giục các thượng nghị sĩ phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) ra đời năm 1982, điều mà họ cho là rất quan trọng để đối lại Trung Quốc và duy trì ảnh hưởng của Mỹ tại châu Á.

Tuy nhiên, về vấn đề này, Đảng Cộng hòa liên tiếp đưa ra những chỉ trích cho rằng công ước đó có thể phá hủy chủ quyền của Mỹ.

img
Ngoại trưởng Mỹ Hillary cho rằng phê chuẩn UNCLOS là có lợi cho Mỹ.

Trước đó, ngày 23.5, Ngoại trưởng Hillary Clinton, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta và Chủ tịch Tham mưu trưởng Liên quân - Tướng Martin Dempsey, đã điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện để yêu cầu các thượng nghị sĩ phê chuẩn UNCLOS. Trong phiên điều trần kéo dài 3 giờ, Ngoại trưởng Hillary cho rằng nếu tiếp tục không ký công ước, Mỹ sẽ gánh chịu nhiều hậu quả.

Bộ trưởng Quốc phòng Panetta cũng khẳng định công ước không ảnh hưởng đến chủ quyền của Mỹ và việc phê chuẩn công ước này rất quan trọng đối với lợi ích an ninh của Mỹ. Ngoại trưởng Hillary nêu rõ Mỹ: "Cần chấm dứt việc đứng ngoài lề và bắt đầu tận dụng những lợi ích to lớn mà công ước mang lại cho Mỹ và cộng đồng doanh nghiệp”.

Bà cho rằng trước đây, các công ty dầu khí của Mỹ chưa có đủ công nghệ để tận dụng những quy định của công ước về thềm lục địa, nhưng nay các công ty đó đã có khả năng và sẵn sàng khai thác các vùng này. Bà cũng cho rằng nếu tham gia Công ước, Mỹ sẽ "được sự công nhận của quốc tế về quyền chủ quyền, trong đó có việc sử dụng các thủ tục nêu trong Công ước, cho phép các công ty dầu lửa có cơ sở pháp lý để thực hiện việc khai thác".

Ngoại trưởng Hillary đã bác bỏ lập luận của những người chống UNCLOS, cho rằng sự chống đối này dựa trên "hệ tư tưởng và sự hoang đường." Bà khẳng định công ước được sự ủng hộ của tất cả các đời tổng thống thuộc cả hai đảng, trong đó có Tổng thống của Đảng Cộng hòa G.Bush, các doanh nghiệp Mỹ, ngành công nghiệp năng lượng và vận tải biển, cũng như các tổ chức về môi trường.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện John Kerry cũng cho rằng, việc phê chuẩn công ước là vấn đề cấp bách, nhưng Mỹ đã để quá lâu. Nếu không phê chuẩn công ước, Mỹ sẽ mất nhiều lợi ích như dầu lửa và khí đốt, quyền đi lại trên biển và thâm nhập các nguồn tài nguyên, chẳng hạn như các mỏ đất hiếm...

Tuy nhiên, ông Steven Grove - Giám đốc dự án thuộc Quỹ Heritage lại cho rằng Mỹ không cần phê chuẩn công ước để khai thác các nguồn dầu lửa và khí đốt trên biển, bởi vì chính phủ sử dụng các tuyên bố của tổng thống, các đạo luật của Quốc hội và các hiệp ước song phương để thiết lập các khu vực thềm lục địa của Mỹ. Bên cạnh đó, quyền đi lại trên biển đã được bảo đảm bởi Luật Hải quan quốc tế. Nếu phê chuẩn công ước, Mỹ sẽ phải thanh toán các khoản lệ phí cho Cơ quan phụ trách Đáy biển Quốc tế.

Sau hai lần không được thông qua tại Thượng viện Mỹ (năm 2004, 2007), hiện người đi đầu trong việc phản đối công ước là Thượng nghị sĩ Cộng hòa Jim DeMint. Ông đang tìm kiếm 34 lá phiếu cần thiết tại Thượng viện để ngăn việc phê chuẩn công ước này.