Dân Việt

Ly kỳ chuyện bị trừng phạt vì làm vỡ ché cổ thiêng

Tiêu Dao (Dòng Đời) 11/08/2013 08:33 GMT+7
Với người Cơ Tu ở Quảng Nam, việc giữ gìn chiêng ché là việc thiêng liêng còn hơn cả mạng sống và tài sản của mình. Bởi đó là linh hồn của núi, của làng, bổn mạng của người chết lẫn người sống.
Nhiều câu chuyện phá chiêng ché cổ bị thần linh trừng phạt được kể lại khiến câu chuyện đêm miền rừng càng thêm huyễn hoặc…

Linh hồn của làng

Đã nhiều lần tôi đến với những ngôi làng nằm trong núi sâu của xã Đắc Pring (Nam Giang, Quảng Nam) như ngôi làng La Bơl này. Đêm bên ché rượu ấm lòng, già làng A Lăng Pel hơn 80 tuổi kể tôi nghe chuyện chiêng ché có tuổi vài trăm năm, một vật dụng linh thiêng của chốn núi rừng này: “Với người Cơ Tu thì chiêng ché còn thiêng liêng, quý giá hơn bất cứ tài sản nào, thậm chí cả sinh mạng mình. Nó là linh hồn của núi, bổn mạng của người chết lẫn người sống mà bất kỳ ai cũng phải gìn giữ. Làm sao cho phép làm mất đi được”.

Già Pel kể từ khi lập làng đến giờ đã mấy trăm năm, biết bao lần lái buôn vạch rừng, vượt mây mù suối sâu tìm đến nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu.
Những chiếc ché cổ được gìn giữ cẩn thận
Những chiếc ché cổ được gìn giữ cẩn thận
Ngày còn nhỏ, già Pel thấy quanh mình toàn là những chiếc ché. Những chiếc ché quý giá được đổi bằng hàng chục trâu bò, được cúng bằng hàng chục lợn gà để giữ lấy linh hồn của ché, được đổi bằng nhiều mạng người trong mùa “săn máu” để gìn giữ lại ché của làng… Già bảo dường như đã là một hương ước không thành văn, những câu chuyện ma mị về chiêng ché truyền từ đời trước đến đời sau, mãi không phai trong tâm trí người đời.

Khi ông nội của già đứng đầu làng này, cùng người làng ngày ngày tự mày mò đúc ché, làm chiêng. Thời gian làm một chiếc ché phải mất mấy tháng. Tất cả đều làm bằng tay, khắc tranh thủy mặc, vẽ rồng. Điều đặc biệt là các hoa văn trên những chiếc ché không bao giờ nổi mà chìm vào bên trong. Càng để lâu, nước màu càng sáng bóng. Gõ lên nghe những tiếng coong coong vọng như tiếng chuông chùa.

Để gọi linh hồn của ché về ngự trị, người làm ra chiếc ché sẽ dùng dao, cắt một ít máu của mình ở tay hòa chung với rượu và tắm rửa sạch sẽ cho ché. Trai bản vào rừng, săn lùng mãnh thú mang về, cắt máu vào từng chiếc bát cổ. Ché được đặt giữa nhà Gươl, già làng bắt đầu cúng. Thần linh nghe lời khẩn cầu của dân làng, thông qua những bát máu và xác mãnh thú nóng hôi hổi bắt đầu nhập vào.

Già A Lăng Pel chỉ vào chiếc ché mộc xấp xỉ 150 năm tuổi trong nhà, bảo rằng do ông nội của già làm. Chiến tranh loạn lạc, người làng chạy tan tác, già cũng chạy và mang theo 2 chiếc ché gia tộc để lại. Có lần chạy loạn sang biên giới Lào, già làm rơi một chiếc ché xuống suối, nhưng chiếc ché dù va đập vào đá cũng không hề nứt vỡ. Già bảo linh hồn ché đã bảo vệ ché và mọi người không bị mất mạng bởi bom đạn và thú dữ trong lúc loạn ly ấy.

Sau một thời gian, làng dời về chốn cũ. Già Pel cùng người làng làm một lễ tạ ơn thần ché. Kỳ lạ thay, năm sau đó làng La Bơl được mùa, sống trong lễ hội triền miên. Già thủ thỉ: “Bây giờ không ai làm ché nữa, toàn bộ chiêng ché ở làng đều có từ xa xưa, nhưng cứ đến mùa mưa, người làng lại làm lễ cúng, giết một con thú, dâng máu cho Giàng và cầu mong sự chở che của thần linh” - già Pel thủ thỉ.

Thần ché và những chuyện trừng phạt rùng rợn

Nhưng những câu chuyện già Pel kể về sự trừng phạt của thần ché mới ly kỳ. Lần ấy, một nghệ nhân sau khi làm ché xong đã phủ lá chuối lên để bảo vệ và lấy linh khí cho ché, chờ đến ngày làm lễ cúng. Đêm ấy, có một thanh niên trong làng đến gần nơi làm ché rồi tiểu tiện tại đó. Thảm kịch đã xảy ra bởi sự giận dữ của thần linh.
Già A lăng Pel bên chiếc ché cổ gần 150 tuổi của mình
Già A lăng Pel bên chiếc ché cổ gần 150 tuổi của mình
Mặc dù sau đó cả làng đã làm lễ cúng thần ché linh đình, nhưng năm đó, trời mưa dầm dề quanh năm suốt tháng. Người làng không dám đi kiếm ăn, còn chàng trai vẫn quyết vào rừng để săn thú. Một buổi chiều sau nhiều ngày không thấy chàng trai về, người làng đi tìm, phát hiện xác chàng trai nằm ở bìa rừng gần làng, mất đầu, máu ri rỉ chảy.

Như một đại họa lây lan, mấy năm sau đó, cứ đến mùa mưa là lại thêm một chàng trai khỏe mạnh ra đi, vẫn là những cái chết thương tâm. Cha của già Pel đã phải họp tất cả người già trong làng, lập một lễ cúng thật lớn để cầu xin thần linh đừng giáng họa xuống nữa.

Người làng giết 5 con lợn rừng, lọc toàn bộ lòng, tim gan để mãnh thú được sạch sẽ. Sau khi cắt đầu, mãnh thú được dâng lên Giàng, bắt đầu quy trình khép kín ở nhà Gươl. “Người làng phải làm lễ cúng bốn ngày đêm liên tục, lễ vật là 5 chiếc đầu mãnh thú thay cho 5 trai tráng đã mất thì thần mới nguôi giận. Sau đó làng không còn ai bị chết nữa, lúa trồng thu được nhiều hơn” - già Pel tâm sự.

Ngồi bên chiếc ché, già Pel thầm thì: “Có những thứ quý hơn tiền, là niềm tin tuyệt đối vào những chiêng ché có linh hồn, có thần linh trú ngụ. Người La Bơl vốn hiền hòa, sống dựa vào rừng núi nên sẽ không bao giờ phản bội thần, niềm tin này truyền cho con cháu đến nghìn đời”. Tôi hỏi những chiếc ché mới của làng bây giờ còn linh hồn không, già Pel nhíu mày rồi gật đầu chắc nịch: “Có chứ. Thần ché không bao giờ đi đâu cả. Thần ngụ trong ché để mang lại yên bình và cuộc sống cho dân làng. Ai làm điều gì xấu đều bị trừng phạt”. Rồi già Pel kể cho tôi nghe chuyện mới đây thần ché trừng phạt người làng bên.

Đó là chuyện người buôn cổ vật tên A Lăng Lin. Gia tài của anh lên đến vài tỷ đồng vì có những chiếc ché ba trăm năm tuổi. Hơn mười năm trước, trong một lần lên tận Tây Giang tìm một chiếc ché, anh mang về nhà đặt tạm dưới đất. Nào ngờ gần chỗ đặt ché có con thú nhỏ bị chết mà anh không biết. Đến khi con thú bốc mùi anh tá hỏa đưa ché lên cao, và rồi anh bị thần ché trừng phạt. Ban đầu là những giấc ngủ toàn gặp ác mộng, sau đó là những trận ốm triền miên, bao nhiêu thuốc thang cũng không khỏi. Mùa màng thất bát, trâu bò trong nhà lăn đùng ra chết mà không biết nguyên nhân.

Quá hoảng sợ, anh đành nhờ người thân lên lại làng nơi anh tìm thấy ché. Người làng đó cho biết chiếc ché đưa về là ché thần, phải gìn giữ. Già làng lặn lội đến nhà anh, làm một lễ cúng thật to, sau đó anh phải đập nhà cũ làm nhà mới, dành nguyên một phòng để chiêng ché. Chưa hết, anh phải thuê thợ may làm một bộ áo dài thật đẹp, mỗi sáng thức dậy mặc vào rồi đến lau từng chiếc ché. Mấy năm trở lại đây gia đình anh sống thanh thản, làm ăn khấm khá. Anh còn chia sẻ mơ ước của mình là làm một bảo tàng chiêng ché cho người Cơ Tu.

Tuy nhiên, có những chuyện người làng lỡ làm phạm mà chưa bị trừng phạt thì họ sống trong nỗi lo sợ. Đó là trường hợp của Bh’ling Đơn, làng Đắc Rế. Sau nhiều tháng xảy ra sự việc, người làng nơm nớp lo sợ đến một ngày thần linh trút cơn giận xuống dân làng, xuống Bh’ling Đơn và gia đình vì xúc phạm thần linh. Hồi ấy khi anh trai cưới vợ, Đơn đến nhà lấy ché cổ trăm năm - vì tục lệ người Cơ Tu, khi trai cưới vợ có quyền lấy bất cứ vật gì của nhà gái.

Nhưng đó là chiếc ché cổ mà gia đình nhà gái rất quý nên không muốn cho đi. Trong cơn tức giận Đơn đã đập chiếc ché tan tành. Đơn ân hận: “Nhà nước phạt 15 tháng tù, nhưng nỗi sợ thần linh là hình phạt lớn nhất”. Trở về làng sau khi vào trại cải tạo, Đơn thay đổi tính tình, hòa nhã với mọi người, cố gắng làm lụng để có tiền mua lại chiếc ché cho gia đình bên nhà vợ của anh trai. Đơn tâm sự: “Mình đang cố gắng làm thật nhiều việc tốt để cầu xin sự tha thứ của thần linh. Có lẽ thấy mình làm việc tốt nên thần linh nguôi giận không quở trách nữa”.

Đêm hôm ấy ở miền rừng, tôi hiểu thêm rằng người Cơ Tu bao đời vốn lớn lên bằng mảnh đoóc, thổ cẩm được cất sẵn trong những chiếc ché để góc nhà khi còn nằm trong bụng mẹ, cưới nhau bằng lễ vật là những chiếc ché chiêng và mất đi cùng những cái ché chôn theo nơi nhà mồ. Nét văn hóa ấy đã hình thành nên làng ché độc đáo ở chốn đại ngàn này. Tôi hỏi còn bao nhiêu chiếc ché cổ như thế được giữ trong các bản làng, già Pel trầm ngâm: “Sao đếm hết được. Chỉ biết chắc chắn trong mỗi làng, mỗi lòng người Cơ Tu đều có một chiếc ché cổ. Ai lại đong đếm được sự linh thiêng bao giờ”.

Sáng sớm hôm sau, tôi về lại đồng bằng, ngang qua những ngôi làng vắt trên đỉnh núi mù sương của đại ngàn hùng vĩ, nơi đó có những đôi mắt già nua nhìn chúng tôi như khẳng định, ở thế giới này vẫn còn những pho truyện về rừng núi âm u, về đại ngàn Trường Sơn thăm thẳm linh thiêng.