Dân Việt

Từ khủng hoảng tại Ukraine: Cuộc đấu trí Putin và Obama

Đăng thúy - Minh Nguyệt 06/03/2014 06:21 GMT+7
“Ukraine có vị trí sống còn với sự phát triển và khôi phục vị trí siêu cường của nước Nga. Vì thế Nga quyết phải “bám lấy” Ukraine cho dù Mỹ nói gì”- Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh nhận định.
“Không thể hiểu bằng trí óc”

Khi tình hình Ukraine tạm lắng dịu, quan hệ Nga- Mỹ, EU trở nên căng thẳng với những cuộc khẩu chiến khi Nhà Trắng tuyên bố áp dụng các biện pháp trừng phạt về kinh tế và quân sự đối với Moscow nhằm đáp trả việc Nga đưa quân vào Crimea, miền Nam Ukraine.

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Obama đã có những phút đấu trí căng thẳng về vấn đề Ukraine.
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Obama đã có những phút đấu trí căng thẳng về vấn đề Ukraine.

“Nhưng Nga đã đi trước một bước và bước đi rất quyết liệt, Mỹ đã bị động” - tiến sĩ Nguyễn Cảnh Toàn- chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu về Nga và SNG nhận định.

Tiến sĩ Nguyễn Cảnh Toàn đã dẫn lời thơ của nhà thơ Nga nổi tiếng Fyodor Ivanovich Tyutchev: “Bằng trí óc không thể hiểu nổi nước Nga. Hiểu nước Nga chỉ có thể bằng trái tim và ở Nga ta chỉ có thể tin tưởng” để nói về cuộc “đấu trí” của hai ông Obama và Putin trong 90 phút điện đàm về tình hình Ukraine.

“Ukraine có vị trí sống còn với sự phát triển và khôi phục vị trí siêu cường của nước Nga. Vì thế Nga quyết phải “bám lấy” Ukraine cho dù Mỹ nói gì”- Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam nhận định.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Nga Putin đã bảo vệ hành động đưa quân đội vào Ukraine cuối tuần qua của mình khi nói rằng Moscow có quyền bảo vệ người Nga ở Ukraine mà ông cho rằng họ đang bị đe dọa nghiêm trọng. Nhà Trắng kêu gọi Điện Kremlin rút quân khỏi Ukraine, tuy nhiên, ông Putin đã phản đối.

Trong khi đó, chính quyền Obama đang cân nhắc các lựa chọn nhằm ngăn chặn những hành động quân sự của Nga ở Ukraine. Có một số lựa chọn như trừng phạt ngân hàng, đóng băng tài sản, cấm cấp thị thực du lịch, tuy vậy hiện chưa rõ các biện pháp cụ thể sẽ như thế nào.

Một số chuyên gia tin rằng quả bóng hiện đang trên sân của Nga, khi mà tiềm lực dầu khí lớn của nước này khiến Mỹ khó có thể sử dụng đòn bẩy trong ngắn hạn để gây sức ép lên Kremlin. Hơn nữa, Nga là nước cung cấp số lượng lớn khí đốt cho châu Âu.

Giới chuyên gia nhận định một cuộc tấn công của NATO do Mỹ đứng đầu nhằm chống lại Nga là khó có thể xảy ra, khi mà các cuộc xung đột ở Trung Đông kéo dài hơn một thập kỷ qua đã khiến người Mỹ mệt mỏi vì chiến tranh và góp phần làm tăng trần nợ của nước này. Họ cho rằng Mỹ và đồng minh sẽ sử dụng các giải pháp ngoại giao nhằm giảm leo thang căng thẳng ở Crimea và không cho phép Nga can thiệp sâu hơn vào Ukraine.














Con bài chiến lược


Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh- Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam nhận định: “Diễn biến tình hình chính trị ở Ukraine ngày càng phức tạp hơn. Theo đó, con đường chính trị của Ukraine đang đi theo hướng cách mạng cam và thực tế cách mạng màu đã thắng phe thân Nga của Tổng thống Yanukovych. Từ thực tế này đã khiến nội bộ Ukraine bị phân hóa, tan rã không có lợi cho chính quyền và nhân dân Ukraine”.


Theo Tướng Rinh, với Nga, Ukraine có vị trí sống còn với sự phát triển của quốc gia này. Có Ukraine thì Nga mới có thể khôi phục vị trí siêu cường của mình. Vì thế, Nga quyết phải bám lấy Ukraine. Xét về điều kiện thực tế, Nga hoàn toàn có cơ sở để làm việc này vì Nga đang là một cường quốc nắm giữ sức mạnh quân sự, kinh tế, ảnh hưởng rất lớn với Ukraine. Mặt khác, Ukraine đang chịu sự khống chế của Nga, bởi từ lâu Ukraine đã trở thành đối tác kinh tế của Nga.

Đối với phương Tây, Mỹ cũng không thể làm ngơ lợi ích từ Ukraine bởi Ukraine là con bài chiến lược. Đặc biệt, qua đây Mỹ mong muốn có thể dùng Ukraine để kiềm chế sức mạnh siêu cường của Nga. Tướng Rinh bình luận: “Phát ngôn của Tổng thống Nga Vladiminr Putin ngày 4.3 đã cho thấy Nga sẽ không đưa quân đội vào lãnh thổ của Ukraine ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, Nga vẫn sẽ duy trì ảnh hưởng, sức mạnh kinh tế, quân sự đối với Ukraine.

Bên cạnh đấy việc Liên Hợp Quốc tuyên bố sẽ không thể can thiệp sâu vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine cũng cho thấy khó có thể xảy ra một cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Cộng đồng người Việt và người dân Ukraine cũng như thế giới có thể an lòng vì sác xuất để xảy ra ngòi nổ cho chiến tranh thế giới lần thứ 3 là rất ít.

Mặc dù ông Putin có khẳng định Nga sẽ không sát nhập Crimea vào lãnh thổ Nga, nhưng không loại trừ khả năng bản thân phía Nam của Ukraine sẽ thể hiện mong muốn được trở về với Nga. Riêng Mỹ, nước này hoàn toàn không có khả năng đưa quân sự vào Ukraine và khả năng viện trợ, hỗ trợ của với quân chính phủ là rất khó vì bản thân Mỹ đang gặp những khó khăn lớn về kinh tế.

Về khả năng cấm vận Nga của Mỹ cũng khó có thể xảy ra vì, xét góc độ kinh tế Nga là một nước mạnh, tự chủ về kinh tế và quân sự cũng không thua kém gì Mỹ. Châu Âu và NATO lại càng không có khả năng “gây khó” cho Nga bởi các nước này còn phải cần ở Nga rất nhiều.