Cầu Trường Tiền nằm trong quần thể Di tích cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Khi màn đêm buông xuống, với ánh sáng laser rực rỡ sắc màu trong không gian lãng mạn và thơ mộng, thì cây cầu là địa điểm đẹp, rất lý tưởng để các đôi uyên ương, cặp tình nhân đến đây hẹn hò, tâm sự.
Một “chứng tích tình yêu” trên cầu Trường Tiền. |
Để cầu mong hạnh phúc vĩnh cửu, nhiều đôi tình nhân đã tay trong tay cùng nhau khóa chặt những ổ khóa vào thanh sắt của lan can cầu, rồi mắt nhắm lại, miệng lẩm nhẩm vài câu (chắc là lời cầu xin với các đấng tâm linh?!), sau đó cả hai cùng nhau thả chiếc chìa khóa xuống dòng sông Hương để minh chứng cho tình yêu của họ là bất diệt, bền chặt như những ổ khóa kia.
Ông Nguyễn Văn Thanh, 65 tuổi, thợ làm ổ khóa ở chân cầu Trường Tiền (phía bắc sông Hương) cho biết: “Hiện nay trong giới trẻ ở Huế rộ lên phong trào "khóa ổ, vứt chìa" để nói lên tình yêu chung thủy, không bắt cá 2 tay... Nhờ thế nên tui bán hàng khá chạy. Trước đây ế ẩm lắm, mấy ai để ý mua khóa của ông già bán ở vỉa hè này”.
Ông Thanh còn chia sẻ thêm: Nhiều đôi trẻ ở các xã cách TP.Huế 20-30km, quanh năm chân lấm tay bùn cũng đến đây mua khoá, rồi cũng khóa, cũng thả chìa xuống sông... Thế mới biết mốt - kể cả mốt trong tình yêu lan nhanh từ phố xuống quê, thấy cũng ngạc nhiên thật!
Dạo một vòng trên hành lang dành cho người đi bộ của cầu Trường Tiền, du khách dễ dàng bắt gặp những ổ khóa to có, nhỏ có, mới có, cũ cũng có... được chủ nhân của nó khóa chặt, treo lơ lửng trên những thanh sắt. Bên cạnh những "ổ khóa tình" là những dòng chữ đại loại như: "I love you", "T love M", "Anh thích em"...
Nhận định về hiện tượng trên, nhà nghiên cứu Huế Hồ Tấn Phan cho rằng: "Đó là một hình thức tín ngưỡng của giới trẻ hiện nay trong muôn ngàn tín ngưỡng của người Việt. Xét về bản chất, những ổ khóa ấy không làm ảnh hưởng đến tuổi thọ, thay đổi, biến dạng kiến trúc hay kết cấu của cây cầu. Tuy nhiên, nếu hiện tượng trên còn tiếp diễn lâu dài nữa thì e rằng cầu Trường Tiền sẽ... hết chỗ để khoá”.
Võ Văn Dần