Chợ Thông mới ở xã Đoàn Tùng (huyện Thanh Miện) được xây dựng từ năm 2009 trên mặt bằng 8.471m2 (được chia làm 2 khu là khu siêu thị, ki ốt và khu chợ dân sinh), với vốn đầu tư hơn 40 tỷ đồng. Đây là khu chợ có quy mô hiện đại và khang trang nhất huyện Thanh Miện. Nhưng sau khi nhà đầu tư bàn giao cho UBND xã Đoàn Tùng quản lý (tháng 7.2011), khu chợ này vắng như... chùa Bà Đanh.
Ông Nguyễn Trác Hùng - cán bộ Công ty cổ phần Đầu tư Tây Bắc - chủ đầu tư chợ Thông mới cho biết: Đầu năm 2010, khi chợ hoạt động thử, người mua kẻ bán ra vào tấp nập. Nhưng về sau số hộ đến kinh doanh ngày một thưa.
Người dân vẫn hồn nhiên kinh doanh dưới biển “Cấm họp chợ”. |
Công ty đã đưa ra nhiều biện pháp để kích thích các hộ đến kinh doanh, như miễn phí chỗ ngồi trong 6 tháng, trợ cấp tiền điện nước... Ngoài ra, chủ đầu tư đã ủng hộ xã 1 tỷ đồng nâng cấp con đường bê tông nối chợ mới với các thôn trong xã. Tuy nhiên, biện pháp kích cầu này chưa phát huy tác dụng như mong muốn...
Theo ông Hùng, khi chuyển sang chợ mới, việc kinh doanh của các hộ ở cổng chợ cũ bị ảnh hưởng nên họ cố tình lôi kéo các tiểu thương quay về chợ cũ. Ngoài ra chính quyền địa phương cũng chưa mạnh tay trong việc dẹp chợ cũ, chợ cóc trong xã dẫn đến tình trạng chợ mới vắng bóng người.
Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Viết Hà - Chủ tịch UBND xã Đoàn Tùng cho biết: Sau khi nhận bàn giao chợ mới, xã dự định đưa khu chợ cũ cho thôn Phạm Lâm xây nhà văn hóa và nhà quản trang. Kinh phí đã có nhưng việc xây dựng còn phải bàn bạc với nhân dân. Ông Hà cũng thừa nhận chợ tạm vẫn chưa dẹp được và xã cũng chưa có biện pháp xử lý các hộ cố bám chợ cũ để kinh doanh.
Theo quan sát của chúng tôi, tại chợ tạm Cầu Vồng, người dân vẫn bày hàng hóa ra hè đường kinh doanh ngay dưới biển “Cấm họp chợ”. Tại chợ cũ không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy nó đã bị đóng cửa. Mới đầu giờ chiều, những hàng thịt, cá, rau đã được người dân bày tràn ra đường buôn bán. Một hộ kinh doanh tạp phẩm nói: Xã chỉ đuổi kiểu... nửa vời nên ngồi được ngày nào hay ngày ấy.
Trần Thụ