Dân Việt

Cả trăm trai làng xô đẩy mong.... sinh được con trai

Infonet 06/03/2014 18:06 GMT+7
Lễ hội Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, Hà Nội) được tổ chức từ mùng 4 đến mùng 7 tháng 2 Âm lịch hàng năm thu hút được sự quan tâm đặc biệt bởi một phong tục độc đáo: tranh bông để sinh con trai.
Lễ hội còn được gọi là lễ hội Giằng Bông. Cây bông là một đoạn tre đực tươi, dài đủ 5 đốt lấy theo Ngũ phúc. Cây tre được chọn lấy bông phải là cây tre có đủ ngọn, lá. Thân tre phải thẳng, xanh óng ả. Gia đình tốt phúc, hòa thuận, không có đại tang mới đủ tiêu chuẩn cống tre cho làng.
img

img

Cây bông sau khi được trang trí sẽ thờ Thành Hoàng làng. Đến 13h trưa ngày mùng 6.2, lễ hội Giằng Bông chính thức bắt đầu. Sau các nghi lễ, cụ ông cao niên nhất trong làng sẽ múa cây bông theo bốn phương tám hướng, rồi ném cho trai đinh bắt lấy.

Hàng trăm nam thanh niên xô đẩy, chen chúc mong giành được bông. Dòng người ùn ùn chật kín sân đình. Người thắng cuộc là người giành được Bông mà không ai với tay lấy được nữa.
img
Anh Nguyễn Đức Huy là người giành được cây bông đầu tiên.

Trai đinh trong làng giành được Bông thì sẽ khấn Thành Hoàng làng mang cây Bông về thờ trên bàn thờ gia tiên. Năm đó cả nhà sẽ làm ăn phát đạt, trai đinh thì sinh được con trai.

Cụ Nguyễn Như Huỳnh – trưởng ban kiến thiết lễ hội Sơn Đồng chia sẻ ý nghĩa của lễ hội Giằng Bông: “Lễ hội nêu cao tinh thần trượng võ, tổ chức Giằng Bông cho trai đinh trong làng là một hình thức rèn luyện võ nghệ để giúp dân giúp nước… Ai xin được lộc Thánh thì năm đó sinh được con trai, làm ăn tấn tài tấn lộc.”.

Hàng trăm thanh niên tham gia giành giật cây Bông không thể tránh khỏi có xô xát. Lực lượng công an xã Sơn Đồng, công an huyện Hoài Đức đã có mặt từ rất sớm để bố trí an ninh, hòa giải mâu thuẫn giúp lễ hội diễn ra suôn sẻ.
Ảnh: đông đảo lực lượng công an tham gia bảo vệ an ninh.
Ảnh: Đông đảo lực lượng công an tham gia bảo vệ an ninh.

Lễ hội Sơn Đồng đã gìn giữ được phong tục mang tinh thần phồn thực độc đáo của vùng Đồng bằng Bắc Bộ xưa kia. Tuy nhiên, nó cũng không còn nguyên cách thức như ban đầu.

Chị Nguyễn Thu Hà – người dân xã Sơn Đồng cho biết: “Giằng Bông ngày xưa mạnh ai người ấy thắng, một người giằng cho một người thôi, ai khỏe là được Bông. Bây giờ toàn giằng theo nhóm, theo họ hàng từ 15 đến 20 người. Trai trong họ cùng nhau vào giằng, ai cần sinh con trai thì nhường bông cho người đó.”.
img
Chơi cờ trong hội

img
Những trò chơi hiện đại "phục vụ" các em bé theo bố mẹ đi hội

Lễ hội Sơn Đồng tiếp tục diễn ra vào ngày mai, mùng 7.2 âm lịch với lễ Rước Mẫu, trao giải chung kết gà chọi, chung kết bóng đá.