Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín dùng gần 80 triệu cổ phiếu STB do cha con ông Đặng Văn Thành sở hữu để cấn trừ vào khoản 1.600 tỷ đồng cho vay đối với 2 cá nhân này để đầu tư trái phiếu và vào các công ty con.
Trong báo cáo tài chính riêng năm 2012, được PwC kiểm toán, Ngân hàng cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - Mã CK: STB) cho biết đã ký thỏa thuận (được phân loại vào tài sản xiết nợ) với ông Đặng Văn Thành - nguyên Chủ tịch HĐQT và con trai là ông Đặng Hồng Anh vào ngày 5.12.2012.
Cụ thể, Sacombank đồng ý sử dụng trên 7,4% vốn (tương đương khoảng 80 triệu cổ phiếu STB) do cha con ông Đặng Văn Thành sở hữu để cấn trừ vào các khoản cho vay, đầu tư trái phiếu và khoản phải thu khác với tổng giá trị thỏa thuận gần 1.600 tỷ đồng.
Các khoản cấn trừ này bao gồm, gần 172 tỷ đồng từ công ty Tín Việt; trên 678 tỷ đồng tại Sacomreal; hơn 329 tỷ đồng đầu tư vào trái phiếu Sacomreal; 18 tỷ đồng cho vay Thành Thành Công; khoảng 192 tỷ đồng đầu tư vào trái phiếu Thành Thành Công; hơn 148 tỷ đồng đầu tư vào trái phiếu công ty Đặng Huỳnh; gần 59 tỷ đồng cho vay công ty Thành Ngọc.
Vào ngày 11.12.2012, Sacombank đã ký các biên bản thanh lý với các đối tượng vay hoặc phát hành trái phiếu nêu trên, hạch toán khỏi các khoản cho vay và đầu tư trái phiếu tương ứng, đồng thời giải chấp các tài sản đảm bảo liên quan.
Theo thỏa thuận này, ông Đặng Văn Thành và ông Đặng Hồng Anh ủy quyền cho HĐQT được toàn quyền mua, bán định đoạt, sở hữu cổ phiếu STB mà họ nắm giữ.
Trong trường hợp này, Sacombank đã dùng chính cổ phiếu của mình làm tài sản xiết nợ. Nhà băng cũng cho biết, đã thông báo với Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM về thỏa thuận cấn trừ.
Ông Phạm Hữu Phú, Chủ tịch Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết, thực ra, tại thời điểm cuối năm 2012, các khoản đầu tư trái phiếu, vay nợ liên quan đến các công ty con của ông Đặng Văn Thành và gia đình lên tới 4.000-5.000 tỷ đồng và đều trong hạn. Tuy nhiên, sau khi rà soát lại, nhà băng nhận thấy trong số tiền trên có khoảng 1.600 tỷ đồng không hợp lệ khi xét trên khía cạnh điều kiện tài sản đảm bảo, thẩm định, quyết định và kiểm tra việc sử dụng vốn vay ...
Do đó, ông Phú cho biết vào ngày 5.12.2012, ông Đặng Văn Thành đã đồng ý sử dụng khoản sở hữu vốn trong ngân hàng tương đương 7,435% (hơn 79,84 triệu cổ phiếu) của cá nhân ông và con trai Đặng Hồng Anh theo giá thỏa thuận 20.000 đồng một cổ phiếu, (tức cao hơn mức thị giá thời điểm đó là 18.500 đồng môĩ cổ phiếu) để cấn trừ vào các khoản vay, đầu tư trái phiếu và phải thu này.
Cụ thể, theo thỏa thuận được ký, ngân hàng sử dụng số cổ phiếu trên để cấn trừ khoản phải thu gần 172 tỷ đồng từ công ty Tín Việt. Cùng với đó là cấn trừ toàn bộ số dư còn lại khoảng hơn 1.425 tỷ đồng cho 6 khoản vay theo Hợp đồng ủy quyền không hủy ngang được ký giữa 2 người này với Sacombank vào ngày 10.12.2012.
Các khoản này bao gồm khoản cho vay Công ty địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) trị giá hơn 678 tỷ đồng, khoản đầu tư của Sacombank vào trái phiếu do Sacomreal phát hành trị giá 329 tỷ đồng; khoản cho vay Công ty Thành Thành Công trị giá 18 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Sacombank còn đầu tư vào trái phiếu do Thành Thành Công phát hành trị giá 192 tỷ đồng, đầu tư vào công ty Đặng Huỳnh 148 tỷ đồng và cho công ty Thành Ngọc vay gần 59 tỷ đồng.
Theo ông Phú, do thời điểm cuối năm 2012 cả ông Đặng Văn Thành và Đặng Hồng Anh đều là thành viên hội đồng quản trị nên không thể bán số cổ phần trên trả nợ. Vì vậy mới có việc ký thỏa thuận cấn trừ số cổ phần gần 80 triệu này.
Về tiến trình xử lý tài sản xiết nợ, ông Phú cho biết, sau ngày tổ chức đại hội cổ đông thường niên diễn ra ngày 25.4 tới, khi ông Đặng Văn Thành và Đặng Hồng Anh được chính thức thông qua việc từ nhiệm tư cách thành viên hội đồng quản trị, số cổ phần gần 80 triệu này sẽ được phép bán để thanh toán nợ.
Theo tiết lộ từ phía Sacombank, ngoài số nợ trên, ông Thành và gia đình còn phải thanh toán rất nhiều khoản tiền liên quan đến hoạt động đầu tư, mua bán bất động sản đã phát sinh trước đó.