Chị Cù Thị Thoa ở bản Nà Đình, Xã Mường Kim (Than Uyên, Lai Châu) chìa đôi bàn tay bợt bạt vì ngâm quá lâu trong nước ra kể khổ: “Từ hôm qua đến giờ mà chưa đãi được nửa khối cát, mệt lắm, nhưng được cái có tiền ngay, cũng đủ nuôi gia đình qua mấy tháng nông nhàn”.
Một khối cát đãi sạch đất đá, chuyển lên chân cầu treo bán được 200.000 đồng nên dân bản coi đây là cái “mỏ cơm” trời cho. Vợ chồng, con cái cứ rảnh rỗi là xuống suối đào đãi, nhà nào “khỏe quân” thì mỗi ngày được trên dưới mét khối. Khoản thu ấy ở đây là không nhỏ.
Công việc nặng nhọc nhưng mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân bản Nà Đình, Xã Mường Kim (Than Uyên, Lai Châu).
Giữa trưa, hàng chục người ngâm mình trong nước đục ngầu đào, bới, đãi từng rổ cát lẫn trong đá sỏi. Nhìn từ trên cao xuống trông như những chú kiến tha mồi. Ngày đông vùng cao, nước suối lạnh như băng, ai giỏi lắm cũng chỉ chịu được 1 giờ đồng hồ là phải lên bờ đốt lửa sưởi, “mặt mũi chân tay tím tái như người chết trôi”- chị Thoa nói.
Chị Cù Thị Thoa đang đãi cát dưới hố bên cạnh suối Mường Kim.. Mỗi gia đình thường chọn riêng cho mình một khoảnh riêng để đãi cát. Đãi cát là khoản thu nhập chính của dân bản Nà Đình dịp nông nhàn. Cát đãi xong được vác ngược dốc lên
chân cầu Mường Kim để xe tải tiện vào ăn hàng. Các ô đãi cát nằm sát bên dòng suối nước luôn gầm gào
cuộn chảy ngay cả vào mùa kiệt.
Cậu bé lau mồ hôi vì mệt mỏi. Ở không ít hố chỉ có những người phụ nữ Thái nhỏ bé, lầm lụi đãi cát.