Dân Việt

Lỗ thiên tạo, “công năng phi phàm” của thầy mo?

VTV 25/02/2014 20:01 GMT+7
Từ lâu lắm rồi, giữa cái thung lũng tận cổng trời ấy, bộ tộc người Thủy nghĩ rằng họ bị cái đói, cái nghèo do con ma rừng khó đuổi, nhưng chẳng biết tìm đâu ra “bùa phép” để trừ ma...
Cứ mỗi mùa mưa tới, thì người Thủy ở đây lại lang bạt khắp non cao, vực thẳm tìm măng mai, hái rau rừng... Và, đã có lúc bộ tộc này đứng bên bờ của sự tuyệt chủng.

img
Thiếu nữ dân tộc Thủy trong trang phục truyền thống

Tìm về thuở hồng hoang


Từ trung tâm thành phố Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang), vượt qua gần 100km đường rừng, chúng tôi về tới xã Hồng Quang (huyện Lâm Bình, Tuyên Quang) – gần tới bản Thượng Minh, “đại bản doanh” của dân tộc Thủy (còn gọi là tộc Mèo Nước).

Khi biết chúng tôi có ý định vào bản Thượng Minh, ông Mai Đình Nhiêu, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Quang nhìn chúng tôi e ngại: “Nhà báo muốn lên đó tìm hiểu thực tế thì tốt quá, nhưng chỉ sợ đi nửa đường nhà báo lại phải quay về…! Từ đây lên bản Thượng Minh gần 20 km nhưng đều là đường rừng, phải đi bộ, người khỏe cũng mất nửa ngày mới tới nơi”.

Vì quyết định ngủ đêm tại bản của người Thủy để tìm hiểu rõ hơn về cuộc sống của họ nên chúng tôi lên đường ngay. Khi tới con đường mòn xuyên rừng dẫn tới bản Thượng Minh, bất ngờ trời đổ cơn mưa. Mưa rừng nước đổ sầm sập, nước theo triền dốc chảy xuống ào ào như thác. Đường trơn tuột, chúng tôi tay chống gậy, bấu chặt mười đầu ngón chân xuống đất, gồng mình đội mưa vượt qua dốc núi đá dựng đứng.

Mãi rồi mưa cũng tạnh, con đường mòn xuyên rừng xa tít tắp đó cũng dẫn đến cây cầu gỗ báo hiệu chặng đường đã hết. Lúc này Mặt trời đã chìm sau đỉnh núi, những mái nhà tranh khép nép dưới các gốc cọ già - bản người Thủy là đây. Chiều đại ngàn thâm u tĩnh mịch, nhưng người dân bản đi rừng lục tục kéo nhau về. Đám trẻ thấy khách lạ, bìu ríu lấp ló sau bậu cửa nhìn chúng tôi lưng khoác ba lô, ngực đeo máy ảnh với ánh mắt đầy vẻ thăm dò.

img
Thầy mo Bàn Văn Kim đang kể về sự tích dân tộc mình

Cuộc sống giữa rừng xanh và huyền tích hòn đá thiêng

Theo tài liệu của UBND xã Hồng Quang, bản người Thủy hiện chỉ còn 18 hộ gia đình với 92 nhân khẩu. Người Thủy không ở nhà sàn như người Mường, người Tày. Những căn nhà của họ đều có chung một kiểu đó là mái lợp lá cọ, cột nhà bằng gỗ, vách đan bằng nứa lồ ô đập dập.

Nhà nọ ngăn cách với nhà kia một hàng rào mỏng mảnh bằng nứa, sát bên chái nhà là một chiếc chuồng trâu, nơi cư ngụ của thứ tài sản lớn nhất trong mỗi gia đình. Người Thủy sống nhờ vào việc canh tác trên nương ngô, nương sắn.

Theo ông Mai Đình Nhiêu, trước đây, dân tộc Thủy được coi là một nhánh của dân tộc Mông hay còn gọi là tộc Mèo Nước. Họ có mặt ở Việt Nam từ mấy trăm năm trước và được xem là cộng đồng thiểu số ít nhất trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Trong ký ức của già bản người Thủy, khoảng sáu, bảy đời trước, cha ông người Thủy ở Quý Châu (Trung Quốc). Ngày ấy loạn lạc triền miên, đói nghèo cùng cực đã khiến một số người Thủy quyết định ly hương. Suốt cuộc hành trình khốc liệt ấy, cả bộ tộc hàng ngàn người khi đến được vùng rừng núi Vị Xuyên (Hà Giang, Việt Nam) chỉ còn khoảng 80 hộ với vài trăm người, số còn lại đã bỏ mạng trên dọc đường tìm đất sống.

Do ngôn ngữ, tập tục khác hẳn các dân tộc địa phương ở Hà Giang nên nhóm người Thủy lúc bấy giờ sống biệt lập. Họ dựng vợ gả chồng quanh quẩn trong bản. Trong quá trình mưu sinh gay gắt đó cộng với tình trạng hôn nhân cận huyết và bệnh tật nơi rừng thiêng nước độc đã làm người Thủy chết dần chết mòn. 80 hộ đến được Hà Giang chỉ còn chưa đến 10.

Sau cách mạng tháng 8, chỉ còn 3 hộ, tổng cộng 13 người của 3 họ Lý, Mùng, Bàn, đem nhau về bản Thượng Minh sống du canh du cư trên các ngọn núi cao. Đến năm 1961, thực hiện phong trào hợp tác hóa, chính quyền địa phương đã đưa đồng bào các dân tộc thiểu số xuống vùng thấp sống tập trung, hướng dẫn cho người Pà Thẻn, người Mông, người Thuỷ cấy lúa nước. Dù ít người, họ vẫn tạo thành một tập thể riêng biệt, từ ngôn ngữ, trang phục đến những nét sinh hoạt.

Nhiều năm qua, nhờ những chính sách dân tộc của Nhà nước đã làm thay đổi căn bản đời sống kinh tế, văn hoá, giáo dục, đã giúp dân tộc Thủy thoát khỏi nạn diệt vong. Thoát khỏi nguy cơ diệt vong, bộ tộc Thủy bắt đầu hồi sinh. Số trẻ sinh ra đã nhiều hơn số già lão chết đi. Các cuộc hôn nhân cận huyết cũng bị loại trừ để bảo tồn nòi giống.

Ngôi nhà đầu tiên chúng tôi ghé thăm là ông Bàn Văn Kim, 77 tuổi, ông Kim là thầy mo duy nhất của bản còn sống. Khi biết chúng tôi tìm hiểu về tập tục cúng thần, trừ tà của dân tộc mình, thầy mo Kim cẩn trọng bê một chiếc hòm gỗ nhỏ cất trên gác bếp xuống.

Bên bếp củi lập lòe, ánh lửa nhảy nhót khắp căn nhà ẩn hiện mặt người, thầy mo Kim hết sức chậm rãi, kính cẩn lấy ra hòn đá có lỗ thủng – theo như lời ông đây chính là hòn đá thiêng có “công năng” phi phàm gắn liền với sự sinh tồn của dân tộc Thủy. Hòn đá thiêng ấy trong quá khứ đã như một bộ “giáp sắt” mang lại sự bình an dân tộc họ.

Theo thầy mo Kim, hòn đá thiêng là bảo vật truyền đời của các thế hệ thầy mo trong bản. Đây chính là “vũ khí tối thượng” của các thế hệ thầy mo để tiêu diệt ma quỷ trong các buổi lễ trừ tà. Ở lỗ thủng của hòn đá thiêng, một sợi dây rừng xuyên qua, đầu sợi dây bên kia cột vào giữa một chiếc gậy được vót tròn từ chiếc bẹ của cây cọ sống hàng chục năm tuổi.

Tiếng Kinh lơ lớ, ông Kim nói rằng hòn đá này khi xưa được các thầy mo có uy tín trong bản cất công đi tìm trên đỉnh núi cao hoặc dưới lòng sông suối, nơi chưa hề có dấu chân người để tránh bị ô uế, mất linh thiêng và đặc biệt hòn đá phải có sẵn lỗ thủng thiên tạo vì người Thủy xưa tin rằng hòn đá đó chính là vưu vật thần linh gửi xuống cho họ để đuổi tà xua ma thậm chí chữa… bệnh!