Ông Võ Trí Thành-Phó Viện trưởng CIEM cho biết, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT) đã đem lại những kết quả tích cực và có những tác động sâu sắc đến kinh tế và xã hội: VN đã tiếp cận thị trường xuất nhập khẩu dễ dàng hơn, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng nhanh, môi trường kinh doanh được cải thiện và minh bạch hơn, thể chế kinh tế theo định hướng thị trường được củng cố và hoàn thiện nhanh hơn, thế và lực của VN trên trường thế giới ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, thực hiện các cam kết HNKTQT cũng làm nảy sinh một số vấn đề: Các ngành công nghiệp, nông nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn do sức ép cạnh tranh. Mở cửa và hội nhập sâu rộng hơn cũng làm cho nền kinh tế dễ bị tổn thương và có thể dẫn đến các rủi ro và bất ổn kinh tế vĩ mô. Môi trường thiên nhiên có thể bị ảnh hưởng tiêu cực do các hoạt động kinh tế với cường độ cao…
Trong thời gian tới, VN sẽ thực hiện Chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2011-2020 và Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2011-2015, với mục tiêu thực hiện những đột phá về cải cách thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, cũng như đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế.
Do vậy, VN cần phải tiếp tục cải cách hành chính theo chiều sâu để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Các chính sách kinh tế vĩ mô phải được thực hiện một cách đồng bộ, nhất quán, kịp thời, linh hoạt.
Năm 2020 VN phải giải quyết vấn đề nhập siêu một cách cơ bản để đạt được cân bằng cán cân thương mại một cách bền vững. VN cần chú trọng việc nâng cao năng lực cạnh tranh cả ở 3 cấp độ: quốc gia, doanh nghiệp và mặt hàng. Tận dụng các ưu đãi hiện hành và các hạn chế được bảo lưu trong cam kết HNKTQT đối với các ngành; có chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước và định hướng đầu tư vào các lĩnh vực VN cần.
Khuyến khích doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để thâm nhập, khai thác thị trường ngoài nước; chuyển dần từ gia công sang tự xuất khẩu trực tiếp. Đề ra các chính sách phù hợp với các cam kết HNKTQT để loại bỏ các dự án FDI không mang lại lợi ích quốc gia. Điều chỉnh cơ cấu FDI theo hướng tăng tỷ trọng dòng vốn vào các ngành sản xuất, đầu tư phải đi kèm với tăng năng lực sản xuất, tạo lợi thế xuất khẩu.
Gắn chiến lược thu hút vốn với giám sát quá trình thực thi, hoạt động. Điều chỉnh lại cơ chế phân cấp đầu tư, trong đó có phân cấp đầu tư nước ngoài.
Mai Nguyễn