Dân Việt

Triều Tiên đã phải dùng đến “lá bài” may mắn

03/04/2013 16:53 GMT+7
Dân Việt - Mỗi ngày, Bình Nhưỡng lại tung ra một “chiêu trò” mới để làm nóng tình hình trên bán đảo Triều Tiên. “Lá bài” từng mang lại thành công cho Triều Tiên là nhà máy hạt nhân Yongbyon cũng đã được sử dụng.

Tuy nhiên, chưa có gì cho thấy, lần này Bình Nhưỡng sẽ lại thành công. Cây viết kỳ cựu của BBC là Lucy Williamson ở Seoul cho biết, nhà máy hạt nhân Yongbyon từng là lá bài mà Bình Nhưỡng đã sử dụng để mặc cả thành công.

Nhà máy này cho phép Bình Nhưỡng hai khả năng chế tạo bom hạt nhân bao gồm một hệ thống làm giàu uraninum và một lò phản ứng hạt nhân mà nhiên liệu tiêu thụ có thể chuyển thành plutonium. Khi khởi động lại nhà máy này, chính quyền Bình Nhưỡng đã có một số lá bài trên tay: có thêm nguyên liệu cho chương trình vũ khí hạt nhân, đồng thời hướng sự tập trung của thế giới vào nhà máy hạt nhân này.

img
Nhà máy hạt nhân Yongbyon được Triều Tiên xem là lá bài may mắn mang lại thành công trong chiến lược

Và những tuyên bố về chương trình hạt nhân cùng với xu hướng gia tăng đe dọa của Triều Tiên trong những tuần gần đây được cho là nỗ lực của nước này nhằm thúc ép tiến hành các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân để đổi lấy viện trợ với Washington, đồng thời khuyến khích lòng trung thành của người dân ở trong nước đối với nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un bằng cách thể hiện ông là một nhà chỉ huy quân sự đầy quyền năng.

Mặc dù nhiều người cho rằng phải mất vài năm nữa nước này mới có thể phát triển được công nghệ hạt nhân và phải mất khoảng 6 tháng nữa thì nhà máy hạt nhân Yongbyon mới có thể hoạt động trở lại, song những tuyên bố của Triều Tiên cũng đã làm cho tình hình có chút thay đổi. Tuy nhiên những thay đổi này đang dường như không đúng với ý định của Triều Tiên trước đó.

Thay vì sẽ “nhún nhường” như Bình Nhưỡng mong đợi, Mỹ lại tỏ ra cứng rắn hơn khi điều thêm tàu khu trục đến gần Triều Tiên với mục đích vô hiệu hóa tên lửa của Bình Nhưỡng nếu có chiến tranh xảy ra. Cùng với đó, Mỹ liên tiếp lặp lại lời cam kết sẽ bảo vệ đồng minh Hàn Quốc. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng nhấn mạnh rằng, Mỹ không bao giờ chấp nhận Triều Tiên là “một quốc gia hạt nhân”, đồng thời khẳng định những đe dọa của Triều Tiên là không chấp nhận được.

Mỹ kêu gọi Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân, nói rằng tình hình sẽ ở mức "vô cùng báo động" nếu Bình Nhưỡng thực hiện lời cam kết tái khởi động lò phản ứng plutoni. Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney cho biết Washington đang thực hiện nhiều bước đi nhằm đảm bảo rằng Mỹ có khả năng bảo vệ chính mình và các đồng minh.

Ông nói: "Toàn bộ nhóm phụ trách an ninh quốc gia đang tập trung vào vấn đề này". Tuy nhiên, Carney nhấn mạnh rằng cho tới nay, hàng loạt lời lẽ đe dọa của Triều Tiên đối với Mỹ và Hàn Quốc chưa được hiện thực hóa bằng hành động, đồng thời ông cho rằng những đe dọa này chẳng có tác dụng gì.

Ông Carney kêu gọi Nga và Trung Quốc, hai quốc gia mà theo ông có ảnh hưởng đối với Triều Tiên, hãy sử dụng ảnh hưởng của họ để thuyết phục Bình Nhưỡng thay đổi chính sách.

Kim Jin Moo, chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Phân tích Quốc phòng Triều Tiên tại Hàn Quốc cho rằng, bằng cách tuyên bố nước này đang "điều chỉnh" tất cả các cơ sở hạt nhân, bao gồm cả một nhà máy làm giàu urani, Bình Nhưỡng "đang hăm dọa tống tiền cộng đồng quốc tế bằng cách nói rằng họ sẽ sản xuất urani làm giàu ở cấp độ cao để chế tạo vũ khí".