Dân Việt

Nông thôn Việt Nam tương lai

13/02/2010 22:53 GMT+7
Với sức mạnh kỳ diệu của người nông dân Việt Nam, đất nước ta sẽ phát triển một nền nông nghiệp sinh thái hướng về xuất khẩu mà không cần đến những bảo hộ, trợ cấp bất bình đẳng.
img
Tương lai nằm trong tay thế hệ trẻ. Ảnh: Hoài Linh

Lá phổi xanh của đất nước

Ngày nay, vai trò quan trọng của nông nghiệp đã được nhìn nhận, nông nghiệp cung cấp lương thực và các nguyên liệu đầu vào cho các ngành. Lao động nông thôn là lực lượng lao động chính và vốn tích lũy từ nông nghiệp và kinh tế nông thôn là nguồn đầu tư quan trọng cho quá trình công nghiệp hoá. Nông thôn còn là lá phổi xanh bảo vệ môi trường, là nơi quản lý, lưu giữ và phát triển tài nguyên,  văn hóa dân tộc, là nơi hỗ trợ và bảo vệ người nghèo, người yếu thế để họ thoát khỏi đói nghèo và vươn lên làm chủ cuộc sống. 

Mặc dù quan trọng như vậy nhưng nông thôn thế giới đang trong hai hoàn cảnh trái ngược. Ở các nước nghèo, đang phát triển ở Nam Á, châu Phi, nông thôn là nơi cư trú của hàng trăm triệu người thường xuyên phải đối mặt với tình trạng đói nghèo, thất học. Nông thôn bao la bị bỏ lại lạc hậu về cơ sở hạ tầng, dịch vụ, trình độ sản xuất, bị tách khỏi hoạt động của thị trường, bị đè nén về quyền lực chính trị. Hơn hai phần ba số người nghèo của các nước đang phát triển sống tại nông thôn.

Đối nghịch với đô thị và công nghiệp hiện đại gắn liền với những lợi ích của một thế giới toàn cầu hóa, đông đảo nông dân buộc phải đòi lại công bằng cho mình bằng cách cầm vũ khí tham gia các lực lượng tôn giáo cực đoan, các cuộc ly khai lãnh thổ, các xung đột sắc tộc kéo dài triền miên. Rút cục, cả thị dân và nông dân đều thiệt hại. Vì vậy, một tỷ người đang sống tại các quốc gia nghèo nhất và bị cô lập nhất, hầu hết ở châu Phi Hạ Sahara, Nam và Trung Á, chỉ sống sót với chưa đầy 2% của cải của thế giới. 

Thu nhập là thách thức

Trong khi đó, một chân trời khác cũng đang mở ra cho hàng trăm triệu nông dân ở các nước phát triển. Trong khi được tận hưởng không gian và môi trường trong lành mà đông đảo thị dân phải thèm khát, người nông dân được chính phủ trợ cấp bằng thuế đánh vào công nghiệp và kinh tế đô thị để có thể trang bị máy móc cơ giới và áp dụng các công nghệ hiện đại phát triển sản xuất, bán hàng hóa trên một thị trường được bảo vệ nghiêm ngặt.

Quyền lợi chính trị của những người nông dân này được bảo vệ ở mức tối đa. Các chính phủ của các nước công nghiệp kiên quyết thực hiện các cam kết với nông dân dù phải chống lại nguyện vọng của nhân dân thế giới đòi hỏi tự do hóa thương mại trong nông nghiệp, bảo vệ môi trường và chống lại quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra. 

Ở châu Âu, Bắc Mỹ, những diện tích canh tác nông nghiệp màu mỡ mênh mông được chính phủ trợ cấp để nông dân bỏ mặc không canh tác. Ở Nhật Bản, một khối lượng lương thực khổng lồ được nhà nước mua chứa vào kho  hàng năm để rồi chuyển thành thức ăn gia súc. Đối với người nông dân ở nhiều nước, canh tác nông nghiệp là thú vui, là phương thức giải trí hơn là nguồn sống. Ở nhiều đô thị hiện đại, không ai nói đến vấn đề an toàn thực phẩm vì coi đó là sự đáp ứng hiển nhiên. 

Để bước từ thế giới nghèo đói sang thế giới giàu có mà không bị tắc lại ở mức thu nhập trung bình là một thách thức to lớn. Quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu trong tương lai ngay trong thời gian gần sẽ tăng mức độ nghiêm trọng của các biến động thiên tai, thời tiết.

Theo giả thuyết lạc quan nhất (nước biển dâng 1m) hay bi quan nhất (nước dâng 5m), Việt Nam sẽ đứng hàng đầu hoặc thứ hai trong số các nước bị thiệt hại nặng nề nhất. Nếu nước biển dâng 1m,  sẽ làm đảo lộn cuộc sống của 11% cư dân (là tỷ lệ cao nhất thế giới), làm giảm 10% GDP, làm mất 13% diện tích đất nông nghiệp và 10% diện tích đất đô thị. 

Có một chân trời mới

Năm 2008, số người 65 tuổi trở lên trong dân số VN đã vượt qua mức 7% tổng dân số, chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số, vượt trước dự báo trước đây là năm 2015. Tình trạng đã xảy ra ở nhiều nước phát triển trên thế giới có thể lặp lại ở Việt Nam là người trẻ đổ về đô thị để lại ở nông thôn một cộng đồng người già không có sức sản xuất? 

Ngày mai của nông thôn Việt Nam giữa hai chân trời khác biệt.

Dân số thế giới tăng nhanh từ 1,6 tỷ người năm 1900 lên 6,6 tỷ hiện nay và dự báo trong tương lai sẽ đạt 9 tỷ năm 2042. Trong suốt hơn 50 năm qua, sản lượng ngũ cốc đã tăng gấp ba lần nhưng vẫn không kịp với tốc độ tăng dân số của thế giới. Tốc độ tăng trưởng tiêu thụ lương thực  nhanh hơn hẳn so với tốc độ tăng trưởng sản lượng. Trong khi đó, đất nông nghiệp trên thế giới chỉ chiếm 3% tổng diện tích, gần như không còn khả năng mở rộng thêm. Phần lớn các dự báo cho thấy giá lương thực và nông sản sẽ tăng trong tương lai và sản xuất nông nghiệp sẽ trở thành một ngành kinh tế rất có triển vọng. 

Bên cạnh châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Á, trong tương lai sẽ tiếp tục có thêm những địa bàn phát triển mới như các nước thuộc Liên Xô cũ, Trung Quốc, Đông Nam Á, Nam Mỹ... Phát triển kinh tế kèm theo nâng cao mức sống nhân dân sẽ là xu thế toàn cầu, mở ra thị trường mới cho sản phẩm nông nghiệp.

Nhu cầu về nông sản cho ngành công nghiệp chế biến sẽ phát triển nhanh như cao su cho ngành công nghiệp ô tô, gỗ phục vụ xây dựng và dân sinh, tơ sợi cho ngành công nghiệp dệt, sinh vật cảnh phát triển phục vụ giải trí. Nhu cầu về du lịch, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ phục vụ đời sống cũng sẽ phát triển rất mạnh, mở ra triển vọng to lớn cho kinh tế nông thôn. Nhu cầu nông sản thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày cũng thay đổi, cơ cấu bữa ăn sẽ tăng dần các sản phẩm chăn nuôi, thủy sản, rau quả... 

Hiện nay, tỷ lệ diện tích canh tác trên đầu người của Việt Nam thuộc loại thấp nhất thế giới, khoảng 0,12ha, (so với Thái Lan là 0,36ha hay Campuchia là 0,48ha...) Nếu tiếp tục xu hướng hiện nay thì đến năm 2020, từ 10-15% đất nông nghiệp sẽ chuyển sang công nghiệp và đô thị.

Tương lai nằm chính trong tay chúng ta. Nếu bạn là người nông dân hôm nay, hãy hình dung một thực tế không xa là phần lớn những người xung quanh sẽ rời khỏi xóm làng, bước vào cuộc sống mới với những ngành nghề mới.

Đó là cả những người có sức lực, có trình độ và cả những người chưa biết làm ăn hiệu quả. Số ít người ở lại phải bắt tay vào sử dụng máy móc để canh tác, chăn nuôi trên quy mô lớn hơn, biết tập họp lại trong các tổ hợp tác, hội đoàn, cùng sản xuất, cùng buôn bán.

Đô thị, nhà máy, hoạt động dịch vụ sẽ đến với nông thôn. Thói quen và sở thích tiêu dùng trong sinh hoạt thường ngày của mỗi người sẽ thay đổi. Nếu mỗi người, mỗi gia đình, từng cộng đồng hiểu được điều đó, sẽ tự mình thay đổi với quá trình này. Cả người đi lẫn người ở sẽ học cách sống với xã hội hiện đại, cách làm việc với kỹ thuật mới, cách giao dịch với thị trường của đất nước công nghiệp hóa.

Với sức mạnh kỳ diệu của người nông dân Việt Nam, đất nước ta sẽ phát triển một nền nông nghiệp sinh thái hướng về xuất khẩu, mà không cần đến những bảo hộ, trợ cấp bất bình đẳng. Là một nước có lợi thế về sản xuất nông nghiệp, nông thôn Việt Nam có đầy đủ triển vọng để bước lên chân trời tươi sáng.