Dân Việt

Phi nông bất ổn

13/02/2010 23:21 GMT+7
Việt Nam xuất phát từ nông nghiệp đi lên, đang phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp. Cha ông ta cũng đã dạy “phi nông bất ổn”, trước khi nói “phi công bất phú”, “phi thương bất hoạt”, “phi trí bất hưng”...
img
Ngắm nghía, lựa chọn cá ngừ trước phiên đấu giá

 Năm 2009 được coi là “bất ổn”, khi có sự “cộng hưởng” của các yếu tố trong nước và các yếu tố bên ngoài. Ở trong nước là hiệu ứng của việc thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Ở ngoài nước là cuộc khủng hoảng hiếm thấy tiềm ẩn từ cuối năm 2007, bùng phát từ cuối năm 2008; bắt đầu từ thị trường địa ốc, sang tài chính, rồi kinh tế và xã hội; bắt đầu từ nước Mỹ, lan sang các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong khi Việt Nam mới ra biển lớn sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, có độ mở lớn (khi vốn đầu tư nước ngoài chiếm trên dưới 40% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, khi so với GDP, xuất khẩu bằng 70,4%, nhập khẩu bằng 90,6%, cộng cả xuất khẩu và nhập khẩu lên tới 161%- một tỷ lệ cao đứng thứ 5 thế giới).

 Sự bất ổn này tác động đến Việt Nam trên nhiều ngành, lĩnh vực và toàn bộ nền kinh tế. Vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là vốn đầu tư gián tiếp bị sụt giảm mạnh. Sản xuất công nghiệp xuống mức thấp nhất trong 19 năm. Xuất khẩu lần đầu tiên trong 18 năm bị giảm so với năm trước; nhập siêu lớn cả về kim ngạch tuyệt đối, cả về tỷ lệ so với xuất khẩu. Kế hoạch giải quyết việc làm, kế hoạch xuất khẩu lao động không hoàn thành và giảm so với năm trước. Tăng trưởng GDP cả năm là mức thấp nhất trong mười năm qua... Trong điều kiện bất ổn trên, nông nghiệp, nông thôn đã hoàn thành vai trò ổn định kinh tế- xã hội, có thể được coi là vai trò lịch sử của mình đối với đất nước.

Vai trò rõ nhất, góp phần trực tiếp đến sự ổn định xã hội đó là nông nghiệp, nông thôn đã giúp đất nước giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn lao động ở khu vực doanh nghiệp, làng nghề, thất nghiệp và thiếu việc làm, cho số lao động xuất khẩu so với năm trước đi ít hơn, về nhiều hơn. Sẽ không thể hình dung nếu như hàng trăm nghìn lao động mất việc và thiếu việc làm ở lại thành phố thì tình hình xã hội sẽ như thế nào.  

Một vai trò quan trọng khác là nông nghiệp, nông thôn đã góp phần kiềm chế lạm phát. Sau mười một tháng nhờ giá lương thực và giá thực phẩm tăng thấp nên đã kẹp tốc độ tăng giá tiêu dùng chung xuống mức thấp xa so với cùng kỳ năm trước (4,49% so với 21,64%). Lương thực- thực phẩm là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu; chi tiêu cho lương thực, thực phẩm của người nghèo, người có thu nhập thấp còn khá cao, nên giá lương thực- thực phẩm thấp là niềm vui của người tiêu dùng, đặc biệt là người nghèo, người có thu nhập thấp.

Nông thôn là thị trường rộng lớn với số dân đông gấp gần 3 lần dân số thành thị, có nhu cầu lớn do thu nhập còn thấp, có yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, giá cả phù hợp với hàng sản xuất trong nước nên đã góp phần quan trọng vào tiêu thụ trong nước trên hai mặt. Một mặt làm cho tốc độ tăng của tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cao gấp rưỡi tốc độ tăng của năm trước và cao gấp đôi tốc độ tăng GDP, làm cho tiêu thụ trong nước trở thành giải pháp ngăn chặn nguy cơ giảm của tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng kinh tế thoát đáy vượt dốc đi lên. Mặt khác là gia tăng tiêu thụ sản phẩm của những doanh nghiệp khi xuất khẩu gặp khó khăn, quay về thị trường trong nước; hưởng ứng cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt.

Nông - lâm - thuỷ sản góp phần quan trọng vào ngăn chặn sự sụt giảm tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nông - lâm - thuỷ sản đã đóng góp 11 trên tổng số 24 mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của cả nước. Trong 8 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với năm trước thì nông - lâm - thuỷ sản đã đóng góp một nửa. đáng lưu ý, hầu hết các mặt hàng nông - lâm - thuỷ sản xuất khẩu đều tăng về lượng, trong đó có những mặt hàng lượng xuất khẩu tăng khá cao, như hạt tiêu, gạo, chè, cà phê... và đạt mức kỷ lục từ trước tới nay. Trong “câu lạc bộ” các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên gồm 12 thành viên, thì nông - lâm - thuỷ sản đã đóng góp 5 thành viên (thuỷ sản, gạo, gỗ và sản phẩm gỗ, cà phê, cao su).

Như vậy, nông nghiệp, nông thôn đã góp phần quan trọng vào việc ổn định kinh tế - xã hội ở trong nước, ứng phó với sự bất ổn ở bên ngoài. Đây cũng là một bài học kinh nghiệm lớn trong năm qua, có giá trị tham chiếu cho những năm tới.