Dân Việt

Đệ nhất tỷ phú hồ tiêu

15/02/2010 22:18 GMT+7
Trong số 300 tỷ phú hồ tiêu của huyện Chư Sê, Gia Lai, cái tên Nguyễn Văn Khoa ở thôn Hoà An, xã Nhơn Hoà đứng đầu bảng với danh phong "Đệ nhất tỷ phú hồ tiêu".
img
Tỷ phú hồ tiêu Nguyễn Văn Khoa. Ảnh: Thanh Luận

Người nông dân này đã có lúc làm chủ một diện tích hồ tiêu lên đến 20ha. Bây giờ dù đã chia một phần cho con cái, ông vẫn còn 7,5ha. Vụ hồ tiêu 2007 được mùa được giá, người ta đoán ông lãi khoảng 4 tỷ đồng. Năm 2008 mất mùa, giá có xuống chút ít, ông vẫn thu về 3 tỷ. Năm 2009 dù bị bão, ông vẫn hòm hòm khoảng đó…

Người ta đoán tài sản của ông bây giờ  phải cỡ vài chục tỷ đồng. Chỉ biết cách đây hai chục năm ông đã bỏ tiền tỷ làm nhà. Nguyên cái hòn non bộ và cổng rào nhà ông cũng đến vài trăm triệu đồng…

Nguyễn Văn Khoa sinh năm 1946, quê gốc ở xã Mỹ Tài, Phù Mỹ (Bình Định). Thời  chống Mỹ ông tham gia du kích rồi vào bộ đội, từng bị địch bắt. Sau giải phóng ông phục viên, theo "ông già" lên thôn Hòa An  làm ăn.

Vốn liếng chỉ hai bàn tay trắng mà thời đó chẳng biết làm gì ngoài cây lúa rẫy. Đánh vật với đất mấy năm ròng cũng không thoát cảnh “vắt mũi bỏ miệng", ông thấy phải mở hướng làm ăn mới. Nhưng "mới" ấy là gì thì nghĩ mãi vẫn chưa tìm thấy lối ra.

Cho đến một hôm, ra thị trấn huyện chơi tình cờ ghé nhà người quen, thấy họ đang xôn xao bàn chuyện trồng tiêu, ông nghĩ: Đất thị trấn trồng được tiêu thì Hòa An có lẽ cũng được. Nhờ cần mẫn chăm sóc, 100 trụ tiêu của ông cho quả rất sai.

Kết luận đầu tiên mà ông rút ra là: đất Hòa An hoàn toàn phù hợp với cây hồ tiêu. Thứ hai: Một sào hồ tiêu hiệu quả ăn đứt 4ha lúa rẫy. Hướng làm ăn mới là đây rồi.  Mê quá, ông tìm hiểu kỹ thuật qua đài, báo, học hỏi kinh nghiệm thực tế. Kẹt vốn thì dùng kế sách "lấy ngắn nuôi dài" bằng cách chăn nuôi, trồng cây ngắn ngày. Vốn có đến đâu diện tích mở đến đó, không làm kiểu quảng canh.

Thấy ông trồng tiêu có cơ làm giàu, bấy giờ dân Hòa An mới học làm theo. Có bao nhiêu kinh nghiệm học hỏi, tích lũy được, ông nhiệt tình truyền lại cho mọi người và vận động mọi người mở rộng diện tích. Ông hiểu rằng, muốn khỏi bị tư thương ép giá thì phải hình thành vùng chuyên canh.

Phong trào đang "ngon trớn" bỗng nhiên bước sang năm 1992 hồ tiêu rớt giá thê thảm. Nhiều người chán nản phá bỏ tiêu quay lại với cây lúa rẫy. Riêng ông vẫn kiên trì và còn tìm cách tăng thêm diện tích. Ông tin chắc giá tiêu thế nào cũng sẽ lên khi thị trường xuất khẩu được mở rộng. Nhận định của ông đã đúng. Qua năm 1995 giá tiêu tăng vọt. Bấy giờ nhiều người hối hận vì đã không nghe lời khuyên của ông.

Thấm thía kinh nghiệm "làm nông mà chạy theo phong trào là tự sát", bắt đầu từ đây người dân thôn Hòa An xác định gắn bó  với cây tiêu. Phong trào lan rộng ra toàn xã. Nhơn Hòa trở thành "đệ nhất thủ phủ hồ tiêu" của huyện Chư Sê.

Toàn xã có hơn 300ha. Số hộ thu nhập từ 1 tỷ đồng trở lên có 20 hộ. Riêng thôn Hòa An, số có thu nhập từ nửa tỷ đồng trở lên chiếm gần một nửa. Còn số dưới 500 triệu thì rất nhiều.  Một xã đặc sệt ND mà có gần 20 chiếc ô tô du lịch, trong đó có những chiếc bạc tỷ…

Ông Khoa cho biết mỗi vụ ông phải cần tới 3.000 công thu hái, chưa kể 6 nhân công trả lương thường xuyên. Nhìn theo chiếc ôtô du lịch bóng loáng của ông thoắt cái đã vút ra khỏi cửa, tôi thán phục: ND thời nay cũng ở nhà lầu, đi rẫy bằng ô tô du lịch, có kém chi ND bên trời Tây.