Cá ngừ - “nhân vật” chính của chợ thủy sản. |
Sau ít phút đáp xuống sân bay quốc tế Narita, chúng tôi được đón về khách sạn Grand Prince Akasaka. Hai cán bộ của Bộ Ngoại giao Nhật Bản là anh Yamaguchi và anh Yano sắp xếp mọi việc cẩn thận rồi dặn chúng tôi nghỉ ngơi, sáng hôm sau bắt đầu đi thăm chợ cá Tsukiji.
Của ngon vật lạ từ khắp nơi
Anh Kazuta Yamada - một thành viên của Ban quản lý chợ Tsukiji đón chúng tôi ngay trước tấm bản đồ tại cổng chợ. Anh Yamada nói bằng tiếng Nhật, nên chúng tôi phải nhờ chị Miyako - người dẫn đoàn - phiên dịch sang tiếng Anh: Chợ cá này có khoảng 400 - 450 loại hải sản tươi, đông lạnh hoặc đã được chế biến nhập vào mỗi ngày. Từ những con cá bé xíu cho đến những chú cá ngừ xanh nặng đến 2 - 3 tạ; từ những mớ ngao cho đến những con bạch tuộc lớn, những chú tôm hùm đỏ sậm.
Điều đáng ngạc nhiên là gần như không ngửi thấy một mùi tanh hôi nào trong chợ. Phonesavanh Sangsomboun - anh chàng phóng viên trẻ của tờ Vientiane Times (Lào) trong đoàn rất thích chụp ảnh các chú cá lớn. Anh nói Lào không có biển, nên hiếm khi được nhìn tận mắt những chú cá tuna nặng tới vài tạ. Gần đó là những chú cá kiếm, cá măng, thậm chí là trứng cá tầm Caviar nhập khẩu từ Nga (với giá trên 100USD mỗi lạng). Nhưng chính những chú cá thu ngừ mới là những "nhân vật" nổi tiếng nhất của chợ. Kích cỡ trung bình khoảng 100-400kg/con. Chúng được mua từ hơn 60 quốc gia trên thế giới và được chở về Nhật Bản bằng máy bay mỗi ngày.
Đấu giá cá ngừ
Hoạt động thú vị nhất, độc đáo nhất đối với những du khách nước ngoài có lẽ là cuộc đấu giá cá ngừ vào mỗi sáng sớm. Từ nửa đêm hôm trước, cá đã được đưa về đây từ các sân bay. Đến 3 giờ sáng, những chú cá khổng lồ được sắp xếp trên những hộp gỗ theo hàng lối, tùy phân loại lớn nhỏ, nguồn gốc xuất xứ vùng biển. Cá từ vùng biển lạnh có giá trị hơn vùng biển nóng. Trước khi đấu giá, những thương lái, đầu bếp nhiều năm kinh nghiệm đi xem kỹ từng con cá và ghi vào sổ sách kỹ lưỡng, cẩn thận các thông số của từng con cá họ thích.
Ngắm nghía, lựa chọn cá ngừ trước phiên đấu giá. |
Đúng 5 giờ rưỡi sáng, cuộc đấu giá bắt đầu. Hàng trăm người dự thầu ngồi trên những bậc thang trong góc phòng. Tiếng người ra giá vang lên: "Bạn ra giá bao nhiêu cho con này?". Các nhà dự thầu (chủ cửa hàng nhỏ trong chợ hoặc bếp trưởng từ các nhà hàng, khách sạn ở Tokyo) liên tục giơ tay ra hiệu trả lời và ra giá để giành lấy con cá mà mình đã chọn.
Vì giá mỗi chú cá ngừ khoảng 5.000-10.000 USD nên họ chỉ mua đủ dùng cho các nhà hàng và các đại lý bán lẻ trong ngày, hôm sau sẽ đấu giá con khác... Mỗi một vụ ngã giá diễn ra nhanh chóng trong khoảng 10 giây, mỗi đợt bán đấu giá một loại hàng kéo dài khoảng 5 phút...
Sự nổi tiếng của chợ Tsukiji khiến du khách đến đây ngày càng nhiều, và gây ít nhiều phiền toái cho hoạt động mua bán, giữ vệ sinh thực phẩm ở đây. Vì thế Ban quản lý chợ đã hạn chế khách du lịch vào buổi sáng. Ngoài việc cấm du khách sờ vào cá, họ còn có thêm 7 điều kiện khác, như không được hút thuốc trong chợ, không được đi giày cao gót hay xăng-đan đến chợ, không được chụp ảnh kèm theo đèn flash khi đấu giá cá... Tất cả những điều này được giải thích là để không làm ảnh hưởng đến chất lượng hàng hoá và hoạt động mua bán ở đây.
Chợ của đàn ông
Chứng kiến công đoạn xẻ thịt những con cá ngừ cỡ lớn, tôi như bị mê hoặc. Một đường dao sắc lẹm của người thợ, con cá ngừ to được xẻ làm đôi, thịt đỏ tươi như thịt bò, nhưng rắn hơn. Những đường vân trắng giữa các thớ thịt như vân gỗ càng làm cho miếng cá trở nên hấp dẫn. Chủ cửa hàng có thể cắt cá thành những khúc vuông vức để bán lẻ.
Từ những miếng này, người đi chợ có thể thái mỏng để chế biến món sushi nổi tiếng của Nhật Bản. Tôi muốn sờ vào một chú cá ngừ vừa được đấu giá xong, nhưng chị Miyako đã kịp ngăn lại. "Không được sờ vào cá" - đó là 1 trong 7 quy tắc đối với du khách đến thăm chợ. Chỉ cần một vết trầy tróc, một vết thâm ngoài da con cá cũng làm giảm giá trị của chúng rất nhiều.
Một điều gần như khác biệt hoàn toàn với chợ Việt Nam là tại chợ thuỷ sản Tsukiji, gần như 100% người bán hàng, người vận chuyển là đàn ông. Ngay cả những quầy bán tôm, cua hay rau quả cũng không thấy bóng dáng các chị em đâu. Tôi chưa kịp khen đàn ông Nhật chăm chỉ thì chị Miyako đã giải thích: Đây là một công việc nặng nhọc, cần nhiều sức lực, nên chỉ có đàn ông tham gia. Ở những chợ khác, phụ nữ vẫn tham gia bình thường, chắc cũng giống như Việt Nam thôi!