Khi tiềm năng trỗi dậy
Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, Đảng và Nhà nước ta đã xác định khả năng đóng góp mà nghề cá có thể mang lại cho nền kinh tế quốc dân. Năm 1954, Vụ Ngư nghiệp thuộc Bộ Nông - Lâm đã được thành lập.
Chế biến thuỷ sản xuất khẩu tại Cần Thơ. |
Đây là cơ quan quản lý nhà nước đầu tiên của nghề cá miền Bắc, đánh dấu cách nhìn nhận mới đối với ngành thủy sản. Tuy nhiên, phải đến sau khi cả nước giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bước vào thời kỳ đổi mới, ngành thủy sản mới có điều kiện để phát triển đúng với tiềm năng của một đất nước có bờ biển dài và hệ thống sông ngòi phong phú.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT đến nay hàng thủy sản VN đã có mặt ở khoảng 160 thị trường trên thế giới.
Chủ động tiếp cận thị trường, thực hiện công cuộc đổi mới trong quản lý và sản xuất kinh doanh, thuỷ sản VN đã đạt được những thành tựu to lớn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản vượt qua ngưỡng 2 tỷ USD vào cuối năm 2002 và không ngừng “tịnh tiến” trong một chặng đường dài của thập niên đầu thế kỷ 21.
Đến nay, giá trị đó đã tăng hơn gấp đôi về con số và sẽ còn cao hơn trong tương lai vì các nhà máy chỉ mới hoạt động 50% công suất và tiềm năng nuôi trồng lớn.
Những mũi nhọn đột phá
Tôm đông lạnh và phi-lê cá tra, basa đông lạnh là hai mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của nước ta. Năm 2008, khối lượng của hai mặt hàng này là 832.382 tấn, chiếm 67,33% tổng khối lượng xuất khẩu thủy sản, với kim ngạch 3.078 triệu USD, chiếm 75,84%.
Trong đó, tôm đông lạnh đạt 191.553 tấn, trị giá hơn 1,6 tỷ USD, chiếm 31,6% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Các thị trường xuất khẩu chính của mặt hàng này là Nhật Bản, Mỹ và EU.
Sau vụ kiện chống bán phá giá tôm, thị phần tại Mỹ đã bị thu hẹp, nhưng thị trường này vẫn đứng ở vị trí thứ hai trong các nhà nhập khẩu tôm.
Đặc biệt, thập kỷ gần đây chứng kiến sự bùng nổ của xuất khẩu cá da trơn VN. Tính riêng trong năm 2008, khối lượng cá xuất khẩu đạt hơn 825 tấn, tỷ trọng đạt 66,7% khối lượng thủy sản xuất khẩu, trong đó riêng cá tra đạt hơn 640 tấn, chiếm hơn 51% tỷ trọng khối lượng thủy sản xuất khẩu.
ước sang năm 2009, trước áp lực cạnh tranh có phần thiếu lành mạnh từ các thị trường tiêu thụ, những khó khăn về nguồn nguyên liệu, về vốn đầu tư, chi phí thức ăn… xuất khẩu cá tra rơi vào khó khăn.
Từ mức tăng trưởng 48,4% với 1,45 tỷ USD trong năm 2008, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này năm 2009 đã giảm xuống còn 1,34 tỷ USD, giảm 7,6%; tỷ trọng xuất khẩu cũng giảm từ 32,2% xuống còn 31,6%.
Tuy nhiên, với thắng lợi được cho là ngoạn mục tại thị trường Nga trong năm qua, tình hình xuất khẩu cá tra vẫn sẽ mang lại kỳ vọng lớn với những bước phát triển dài và vững chắc trong thời gian tiếp theo.
Mục tiêu 8 tỷ USD
Do uy tín chất lượng và an toàn thực phẩm mặt hàng thực phẩm của một số nước suy giảm, nhiều công ty Nhật Bản và châu Âu đang tìm cách chuyển dòng nguyên liệu nhập khẩu sang VN để chế biến. T
heo tính toán của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), nếu đón nhận được dòng nguyên liệu này, chủ yếu từ các nước xứ lạnh (Bắc Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Nam Thái Bình Dương)... nước ta sẽ trở thành cường quốc về chế biến và xuất khẩu thủy sản.
Khi nhập khẩu được khoảng 1-2 tỷ USD nguyên liệu mỗi năm, VN có thể tăng kim ngạch xuất khẩu thêm 1,8-3,5 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu lên 6-8 tỷ USD và vươn lên vị trí thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc.