Dân Việt

Tập trung kiểm soát, bình ổn giá

04/03/2010 09:44 GMT+7
NTNN - Nguyên nhân, giải pháp của hiện tượng giá tiêu dùng và nguy cơ lạm phát tăng cao là nội dung chính được các thành viên Chính phủ quan tâm trong phiên họp thường kỳ từ ngày 2 đến 3-3.

img
Gía cả các mặt hàng đang leo thang, nguy cơ lạm phát tăng cao.

Tại cuộc họp báo thông báo kết quả phiên họp tổ chức chiều 3-3, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Đức Thuý thay mặt các thành viên Chính phủ trao đổi về vấn đề này.

Theo ông Thuý, những ngày gần đây, những lo lắng về giá cả các mặt hàng tăng; lạm phát quay trở lại là một tâm lý xã hội phổ biến, kéo dài từ những cảnh báo về lạm phát vào cuối năm 2009 xung quanh gói kích cầu phục hồi kinh tế.

Trong điều kiện bình thường thì việc tăng giá những tháng đầu năm không phải căng thẳng nhưng trong tình hình hiện nay, Chính phủ phải tập trung mổ xẻ, phân tích"- ông Thuý nói.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng 2 tháng đầu năm ở mức 3,35%. Chỉ số giá tiêu dùng đang ở mức cao, tăng hơn từ 0,5 - 1% so với những năm gần đây (2 tháng đầu năm của giai đoạn 2003-2007 lần lượt tăng 3,1%; 4,1%; 3,6%; 3,3% và 3,2%).

Nguyên nhân được ông Thuý nhắc đến là: Nền kinh tế vừa trải qua thời kỳ điều chỉnh tăng giá xăng, điều chỉnh tỷ giá hối đoái, việc tăng giá than bán cho điện, việc tăng giá điện. Ngoài ra, yếu tố tâm lý xã hội cho rằng Chính phủ đang để các mặt hàng tăng giá tự do đã gây ra hiện tượng tăng giá theo kiểu “tát nước theo mưa”.

Ông Thuý đánh giá: Theo quy luật, mức tăng giá của 2 tháng đầu năm chiếm khoảng 40 -50% mức tăng giá của cả năm nên chưa có gì phải lo lắng về chỉ tiêu tăng giá cả năm. Chỉ tiêu lạm phát được Quốc hội đặt ra là 7% là có thể đạt được.

Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn lời chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng: Với tình hình kinh tế hiện nay, chúng ta không coi thường nhưng không nên quá lo lắng.

Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tập trung mọi nguồn lực để kiểm soát giá và chống lạm phát; đồng thời, tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất. Kiểm soát triển khai đầu tư, không để việc đầu tư kém hiệu quả kéo dài; khuyến khích việc đầu tư không dùng ngân sách.

Về điện và than, Chính phủ khẳng định việc tăng giá vừa qua là đợt tăng giá duy nhất và cuối cùng trong năm 2010. Giá xăng dầu tuy vẫn tiếp tục vận hành theo cơ chế thị trường nhưng sẽ hạn chế việc tăng giá liên tục. Ngoài ra, Chính phủ sẽ có các biện pháp kiểm soát mặt hàng thiết yếu khác như: Sắt thép, xi măng, vận tải, gạo...