Chỉ tăng giá bán than cho điện
Khai thác than tại mỏ Vàng Danh của đơn vị thuộc tập đoàn TKV. |
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Hải - Phó Tổng giám đốc TKV cho biết: Chính phủ có quyết định tăng 6,8% giá bán điện từ 1-3 năm 2010. Ngày 27-2, TKV có buổi làm việc với đại diện EVN. Hai bên đã thống nhất tăng giá bán than cho điện từ 1-3 .
Theo đó, giá bán than cám 4b có mức mới là 648.000 đồng/tấn chưa bao gồm VAT tăng 47%; và than cám 5 có giá mới 520.000 đồng/tấn, tăng 28%. Riêng hai loại than cám 6a tăng lên 450.000 đồng/tấn và 6b là 395.000 đồng/tấn.
Theo ông Hải, với mức giá mới, than cám 4b và cám 5 chỉ bằng 80 - 90% so với giá thành năm 2009 và so với năm 2010 chỉ bằng 70% giá thành của than trong nước theo kết quả kiểm toán. Hiện tại TKV đang kiểm toán giá thành năm 2009, còn giá thành 2010 đã lập và được phê duyệt.
Ông Hải khẳng định, hiện chưa có văn bản nào trình đề nghị tăng giá bán than cho các hộ khác. Với các hộ như xi măng, phân bón, giấy, hiện giá tối thiểu bằng 90% so với giá than xuất khẩu từng thời kỳ. Tuy nhiên, hiện tại TKV đã điều chỉnh từ quý VI năm 2009 xuống chỉ còn 70 - 80% so với giá than xuất khẩu, tuỳ từng chủng loại.
"TKV đã đề nghị Chính phủ từng bước cho phép bán than theo cơ chế thị trường. Theo nhu cầu phát triển điện năng, năm 2013 chúng ta phải nhập khẩu than. Do đó, phải tăng tốc thực hiện đầu tư các mỏ. Hiện tại, TKV đang tăng đầu tư 5 mỏ. Muốn đầu tư công suất từ 2.000 tấn/mỏ/năm phải mất 2.000-2.500 tỷ đồng. Tức là phải có vốn đối ứng 2.000 - 3000 tỷ đồng. Để có số tiền ấy TKV phải có lợi nhuận trung bình 5.000 tỷ mỗi năm. Nếu với giá bán than cho điện như hiện nay sẽ rất khó đủ lượng vốn đầu tư", ông Nguyễn Văn Hải cho biết.
Tăng giá than do chi phí tăng
Theo TKV giải thích, giá thành than năm 2010 tăng so với năm 2009 là do: Khai thác ngày càng xuống sâu và xa hơn; giá cả đầu vào từ cuối 2009 đã có nhiều biến động làm tăng giá thành.
Căn cứ tình hình thực tế sản xuất kinh doanh năm 2009 và dự báo cho năm 2010, các công ty thành viên và tập đoàn đã tính toán xây dựng kế hoạch năm 2010 và được phê duyệt.
Theo đó, các yếu tố ảnh hưởng tới giá thành than năm 2010 là: Về chỉ tiêu công nghệ, hệ số đất kế hoạch năm 2010 là 8,5m3/tấn so với dự kiến năm 2009 là 8,13m3/tấn làm tăng giá thành thêm 11.171 đồng/tấn. Cung độ vận chuyển đất 2,85km so với năm 2009 là 2,69km làm tăng thêm 8.359 đồng/tấn.
Các chi phí đầu vào, giá thép chống lò tăng từ 11.500 đồng/kg lên 12.500 đồng/kg làm tăng 1.163 đồng/ tấn. Săm lốp ô tô tăng 10% làm tăng giá thành thêm 4.457 đồng/tấn. Nhiên liệu bình quân từ 12.600 đồng/lít tăng lên 14.600 đồng/lít làm tăng 17.663 đồng/tấn; Thuế tài nguyên tăng 10.465 đồng/tấn; thăm dò khảo sát 2.326 đồng/tấn; dự kiến lãi vay tăng từ 10,5-11% làm tăng giá 3.987 đồng/tấn; thuế giá trị gia tăng than xuất khẩu không được khấu trừ làm tăng 11.628 đồng/tấn.
Ngoài ra, để đảm bảo tiền lương cho thợ lò, TKV đã điều chỉnh tiền lương tăng 7% so với 2009, với mức tương đương tăng thêm giá là 11.395 đồng/tấn.