NTNN - Cuộc bầu cử Quốc hội Iraq, được hy vọng là bước ngoặt bình ổn quốc gia vùng Vịnh này sau nhiều năm đổ máu, đã bị bao phủ bởi bóng mây bạo lực
Kiểm tra an ninh tại một điểm bầu cử ở thủ đô Iraq.
Theo AFP, các địa điểm bầu cử tại Iraq ngày 7-3 đã mở cửa để bắt đầu cuộc tổng tuyển cử tại nước này.
Đây là cuộc bầu cử mang tính chất sống còn đối với tương lai của Iraq trên con đường đi đến hòa bình và hòa hợp dân tộc, sau 7 năm chìm trong chiến tranh và xung đột sắc tộc.
Gần 19 triệu cử tri hợp lệ của Iraq đã đi bỏ phiếu để lựa chọn ra 325 đại biểu (trong số khoảng 6.200 ứng cử viên) vào Quốc hội khoá mới.
Mặc dù an ninh đã được thắt chặt song bóng mây bạo lực vẫn bao phủ cuộc bầu cử. Trong ngày 7-3, phiến quân đã bắn ít nhất 20 quả đạn cối nhằm vào các mục tiêu ở thủ đô Baghdad, làm ít nhất 25 người chết và 60 người khác bị thương.
Tổng tuyển cử ngày 7-3 là cuộc bầu cử thứ hai kể từ sau khi cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein bị Mỹ và liên quân lật đổ năm 2003. Sự kiện này được đánh giá sẽ đóng vai trò quan trọng đối với tiến trình hòa giải dân tộc và tiến bộ chính trị ở Iraq, trong bối cảnh nước này nỗ lực cải thiện an ninh và sẵn sàng cho kế hoạch Mỹ rút toàn bộ quân vào cuối năm 2011.
Trong số địa điểm bị bắn phá có các cơ quan thuộc "vùng Xanh", nơi đặt trụ sở Quốc hội, một số bộ ngành và sứ quán nước ngoài. Một vụ nổ lớn đã san phẳng một tòa nhà chung cư tại Baghdad ngay sau khi các điểm bỏ phiếu mở cửa, làm 14 người thiệt mạng và 8 người bị thương.
Cảnh sát cho biết, chất nổ dynamite đã được sử dụng trong vụ đánh bom tòa nhà nói trên. Một vụ nổ nhằm vào một tòa nhà khác ở Baghdad làm 4 người thiệt mạng và 8 người bị thương.
Một loạt vụ tấn công khác cũng đã xảy ra tại các thành phố khác trên khắp Iraq, phần lớn nhằm vào những khu vực gần điểm bầu cử. Trước đó (6-3), một quả bom có sức công phá mạnh phát nổ gần đền thờ của người Hồi giáo dòng Shiite ở thành phố Najaf linh thiêng, đã làm 4 người hành hương Iran thiệt mạng và ít nhất 54 người khác bị thương.
Trong những tuần gần đây, các vụ đánh bom xe liên tiếp xảy ra tại các thành phố của Iraq, khiến hàng chục người thiệt mạng. Trước thềm bầu cử tại Iraq, một cánh của mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda đã lên tiếng đe dọa phá hoại cuộc bầu cử chứa đựng nhiều hy vọng của nhân dân Iraq và cộng đồng quốc tế.