Bữa cơm của người dân đang phải đối mặt với áp lực tăng giá. |
- Thưa ông Chính phủ vừa điều chỉnh giá hàng loạt các mặt hàng như: Xăng, điện, than, nước… kéo theo nhiều sản phẩm tăng giá. Ông có bình luận gì về đợt điều chỉnh giá này?
- Chưa đầy 3 tháng, tỉ giá đã được điều chỉnh, giá xăng, giá than, nước và mới đây là giá điện. Tất cả sự điều chỉnh đều diễn ra trong thời gian ngắn, đặc biệt lại vào dịp sau Tết Nguyên đán, thời điểm giá cả thường tăng mạnh.
Việc điều chỉnh hàng loạt giá cả các mặt hàng được coi là đầu vào của nhiều ngành sản xuất như thời gian vừa qua là quá dồn dập và quá nhiều. Đây sẽ là một thách thức lớn cho người dân và doanh nghiệp khi phải đối mặt với áp lực tăng giá.
- Mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 7% trong năm 2010 của Chính phủ, theo ông liệu có đạt?
- Hết tháng 2 vừa qua CPI đã lên tới 3,5%, nếu tháng 3 tăng thêm từ 0,7 đến 1% thì CPI của 3 tháng đã lên tới 4,2 - 4,5%.
Trong khi đó, thời gian còn lại của năm là 9 tháng nữa sẽ rất khó đạt mục tiêu. Mà vòng quay của giá không kết thúc vào tháng 3, nó sẽ còn tiếp tục quay tiếp, đặc biệt là dịp cuối năm giá cả luôn có xu hướng tăng. Theo tôi CPI năm nay sẽ ở mức 2 con số, tức là vào khoảng 10 tới 12%.
- Theo ông, việc tăng giá của hàng loạt các mặt hàng liệu có ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường thế giới?
- Chắc chắn việc tăng giá sẽ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp xuất khẩu. Trong khi giá cả trên thị trường thế giới không tăng như giá trong nước, không phụ thuộc vào thị trường trong nước.
Ví như hiện nay, giá lúa, giá cá basa, hồ tiêu, hạt điều, cà phê... mặc dù có uy tín và sản lượng lớn nhưng trên thị trường thế giới đều không phải do Việt
Hiện tại chúng ta vẫn phải "bơi" theo thị trường thế giới. Khi giá cả trong nước tăng, tác động tới hàng nông sản, bắt buộc các nhà xuất khẩu của chúng ta sẽ phải giảm chi phí bằng cách tiết kiệm tối đa các yếu tố đầu vào...
- Năm 2010 mục tiêu của chúng ta vẫn là vừa kiềm chế lạm phát vừa thúc đẩy tăng trưởng, theo ông liệu chúng ta có đạt được 2 mục tiêu này?
- Theo tôi, hoàn toàn có thể đạt được nếu Chính phủ quyết tâm, cơ cấu lại nền kinh tế, thay đổi chính sách kinh tế bằng nhiều giải pháp đồng bộ như: Cải cách mạnh mẽ doanh nghiệp nhà nước; điều chỉnh các gói đầu tư công; dừng khởi công những công trình chưa đem lại hiệu quả ngay; hạn chế nhập siêu...
Chấp nhận mức tăng trưởng vừa phải bởi vấn đề sống còn là phải ổn định kinh tế vĩ mô. Chính phủ làm ở tầm cao, còn doanh nghiệp cùng đồng lòng chia sẻ và làm ở tầm doanh nghiệp để vượt qua khó khăn.
Hiện nay, tình hình kinh tế của chúng ta như kiểu đang "chẩn đoán". Nếu chẩn đoán đúng thì phải có "phương thuốc chữa trị" kịp thời và "đúng bệnh". Muốn "khỏi bệnh" chắc chắn là phải trả giá, phải mất "tiền thuốc" và "kiêng kị các chất khác".