Ngành thuỷ sản hy vọng tăng trưởng mạnh hơn nữa sau khi Tổng cục Thuỷ sản được thành lập. |
Ba Tổng cục trên của Bộ NN&PTNT được thành lập theo Nghị định 75 năm 2009 của Chính phủ trên cơ sở cơ cấu lại một số đơn vị chức năng.
Theo đó, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ có các đơn vị mới là: Vụ Phát triển rừng, Vụ Sử dụng rừng, Vụ Bảo tồn thiên nhiên và Cục Kiểm lâm.
Tổng cục Thuỷ lợi bao gồm các đơn vị: Vụ Quản lý xây dựng công trình, Vụ Quản lý công trình thuỷ lợi, Cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão, Trung tâm Phòng chống giảm nhẹ thiên tai.
Tổng cục Thuỷ sản gồm có: Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, Vụ Nuôi trồng thuỷ sản và Trung tâm Thông tin thuỷ sản.
Phát biểu tại lễ ra mắt, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: “Nông thôn nước ta hiện có đến 73% dân số sinh sống, trong đó có nhiều người hiện đang sống ở vùng sâu, vùng xa, ven biển, nên nhiệm vụ của chúng ta là phải kiến thiết, phát triển nông thôn, từng bước nâng cao mức sống của người nông dân được ấm no hơn.
Nhiệm vụ của ngành nông nghiệp cả nước nói chung, Bộ NN&PTNT nói riêng là hết sức nặng nề. Việc thành lập 3 Tổng cục là để thực hiện chức năng về quản lý nhà nước chuyên nghiệp, chuyên sâu hơn”.
Phó Thủ tướng nói thêm, 3 ngành lâm nghiệp, thuỷ lợi, thuỷ sản đều có vị trí, vai trò rất quan trọng, là nòng cốt, là 3 cái trụ lớn của đất nước. Do vậy, các Tổng cục cần thực hiện tốt nhiệm vụ của mình từ quản lý nhà nước tới hoạt động sản xuất, kinh doanh. Lần cơ cấu này là dịp tốt để ngành nông nghiệp nâng cao năng lực quản lý nhà nước của mình để phục vụ sự nghiệp nông nghiệp- nông dân- nông thôn”.
Sau lễ ra mắt 3 Tổng cục trên, NTNN đã phỏng vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát.
Thưa Bộ trưởng, việc ra đời của 3 Tổng cục mới có làm xáo trộn công tác nhân sự trong Bộ không?
-Khi hình thành 3 Tổng cục này, chúng tôi đã nỗ lực cố gắng sắp xếp lại bộ máy trên cơ sở kế thừa bộ máy cán bộ nhân sự hiện có. Chúng tôi đang từng bước điều chỉnh lại các quy chế hoạt động cũng như các văn bản pháp quy để 3 Tổng cục hoạt động độc lập tương đối, nhưng vẫn gắn kết với hoạt động chung của Bộ.
Trước mắt, về nhân sự chúng tôi giao cho 3 đồng chí Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng các Tổng cục, nên bộ máy cán bộ không có nhiều thay đổi.
Việc sắp xếp, cơ cấu bộ máy tương ứng ở các địa phương sẽ được thực hiện như thế nào?
-Ở các tỉnh, thành và cấp huyện trước mắt sẽ vẫn giữ bộ máy hiện hành, trong quá trình hoạt động sẽ dần dần có sự điều chỉnh ở từng địa phương.
Theo Bộ trưởng, việc thành lập Tổng cục Lâm nghiệp có khắc phục được các yếu kém trong lĩnh vực phòng, chống cháy rừng và quản lý tài nguyên rừng thời gian qua?
-Việc thành lập Tổng cục này sẽ tạo điều kiện để các cục, vụ chuyên ngành có điều kiện theo dõi việc bảo vệ, cũng như phát triển rừng ở từng địa phương một cách chặt chẽ và sâu sát hơn!