Thức ăn chăn nuôi tăng giá liên tục, người nuôi thủy sản hộ gia đình rất khó khăn. |
Khối ngoại “thao túng” giá
Đầu năm 2010, khi Bộ Tài chính áp dụng mức thuế nhập khẩu từ 0-5% (trước đó là 0%) cho một số loại nguyên liệu như bột cá, bột thịt xương, bột mì, bột cám… doanh nghiệp nước ngoài đã thi nhau đẩy giá thức ăn thủy sản.
Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt
Theo ông Nguyễn Đình Trí - Giám đốc Công ty Phát Triển nguồn lợi thuỷ sản (Quảng Nam), chuyên sản xuất thức ăn cho tôm, công ty ông phải đợi các công ty sản xuất thức ăn thủy sản 100% vốn nước ngoài tăng giá hết rồi mới dựa vào đó điều chỉnh giá bán. Đến đầu năm 2010 công ty mới tăng giá và chỉ tăng 5%.
Thực tế hiện nay, thị trường thức ăn thủy sản gần như đã bị các công ty 100% vốn nước ngoài kiểm soát, nên việc điều chỉnh giá đồng loạt của khối doanh nghiệp này đã ấn định mức giá mới cho thị trường- ông Lê Bá Lịch cho biết.
Cũng theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN, các doanh nghiệp nước ngoài luôn tham khảo ý kiến nhau trước khi bắt tay tăng giá, mặc dù vẫn vờ cạnh tranh quyết liệt giành thị phần.
Cả nước có 225 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc và 89 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi thủy sản. Trung bình mỗi năm sản xuất được gần 6 triệu tấn thức ăn công nghiệp cho gia súc, gia cầm; 2,4 triệu tấn thức ăn chăn nuôi thủy sản.
Các công ty, nhà máy sản xuất phải nhập khẩu khoảng 3,7 triệu tấn nguyên liệu/năm để làm ra số sản phẩm đó. Việc không chủ động được nguồn nguyên liệu và thiếu quy hoạch phát triển nguồn nguyên liệu và công nghiệp phụ trợ, nên giá thức ăn thủy sản ở VN luôn phụ thuộc vào giá thế giới, và luôn cao từ 15-20% so với các nước trong khu vực.
Nhu cầu thức ăn chăn nuôi
Theo Bộ NN&PTNT, xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm 2010 đã đạt 628 triệu USD, tăng trên 41% so với cùng kỳ 2009. Sự phục hồi của thị trường xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu tôm tạo ra tín hiệu lạc quan về tình hình xuất khẩu.
Nên không phải vô cớ hầu hết các công ty sản xuất thức ăn thủy sản nước ngoài đều đặt mục tiêu doanh số năm 2010 cao hơn từ 10-15% so với năm 2009, riêng tại khu vực ĐBSCL.
Khi đầu ra được giá thì sự tăng giá thức ăn cũng dễ dàng được người nuôi chấp nhận. Cụ thể như tôm sú thành phẩm tại Sóc Trăng, loại 40 con/kg, được thương lái thu mua tại ao với giá 120.000 đồng/kg, mức giá đó phần nào tạo cho người nuôi có lời, nên dù mới đầu vụ nhưng nhiều hộ nuôi đã đào ao, xử lý nước để chuẩn bị vụ nuôi mới với nhiều kỳ vọng.
Ông Dương Chỉnh Thến - chủ hầm nuôi tôm tại huyện Vĩnh Châu cho biết: “Mùa vụ vừa qua cũng có lời, nên năm nay dù giá thức ăn có tăng nhưng tôi vẫn lựa mua loại thức ăn tốt, chứ không chạy theo loại thức ăn có giá quá rẻ mà ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của tôm về lâu dài”.