Ông Chủ tịch HĐQT Trần Công Bình bên hệ thống xử lý nước thải không đạt tiêu chuẩn |
Ngang nhiên xả thải độc hại
Dù nhà máy đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng hệ thống này không đạt yêu cầu và cũng không sử dụng mà xả thẳng nước thải độc hại xuống sông Hồng, với khối lượng lên tới 2.000m3/ngày đêm.
Điều đáng ngạc nhiên, dù Nhà máy Giấy Yên Bình xả thải công khai như vậy nhưng lãnh đạo xã lại không hề hay biết gì. Ông Hoàng Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình cho hay, ông không biết gì về sự tồn tại của đường ống xả nước thải ra sông Hồng của Nhà máy giấy Yên Bình.
Có mặt ở đầu cầu Văn Phú, đập vào mắt chúng tôi là một máng lộ thiên đang sùng sục tuôn thứ nước ngầu vàng, nồng nặc mùi xú uế đổ thẳng xuống sông Hồng.
Theo điều tra của chúng tôi, khi mới đi vào hoạt động, nước thải của nhà máy này xả trực tiếp ra con suối nhỏ cạnh đó, nhưng do bị người dân phản ứng nên nhà máy xây dựng một hệ thống cống cho xả ra sông Hồng, suốt từ đó đến nay.
Lý giải cho hành vi bức tử sông Hồng, ông Trần Công Bình - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Nông, Lâm sản, thực phẩm Yên Bái thản nhiên: "Doanh nghiệp vừa vượt qua khủng hoảng kinh tế, thành ra điều kiện về tài chính để xây dựng công trình nước thải rất khó khăn. Trong thời buổi này, chẳng có ngân hàng nào cho vay tiền để xử lý môi trường cả...".
Xử lý theo kiểu “gãi ngứa”
Trao đổi với NTNN, ông Hà Mạnh Cường - Chi cục trưởng Chi cục Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái) cho biết: "Ngành môi trường Yên Bái đã nhiều lần kiểm tra xử lý những sai phạm của đơn vị này, đồng thời đã có kiến nghị biện pháp xử lý mạnh tay gửi lên cấp trên".
Điều này được chính Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Nguyễn Văn Bình khẳng định: Từ năm 2005, tỉnh đã chỉ đạo xử lý tạm dừng sản xuất đối với Nhà máy Giấy Yên Bình. Tuy nhiên, không hiểu vì lẽ gì, đến nay doanh nghiệp này vẫn hoạt động và thải nước độc hại xuống sông Hồng mà không bị xử lý triệt để.
“Lỗi này thuộc về UBND tỉnh trong việc quản lý nhà nước, còn trách nhiệm thuộc về Sở Tài nguyên và Môi trường" - Phó Chủ tịch tỉnh Yên Bái thừa nhận.
Được biết, từ tháng 4-2005 đến đầu năm 2010 các cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái đã có tới 16 văn bản liên quan đến việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường đối với Nhà máy Giấy Yên Bình.
Tuy nhiên, các “án phạt” chỉ mang tính chất “phủi bụi” bởi mức phạt mấy chục triệu đồng không thấm gì so với việc phải đầu tư xây dựng một hệ thống xử lý hàng nghìn mét khối nước thải/ngày đêm.
Một doanh nghiệp bức tử môi trường trong 9 năm trời mà các ngành chức năng tỉnh Yên Bái vẫn lúng túng không tìm ra biện pháp xử lý, quả thật là chuyện hết sức khó hiểu. Dư luận đang chờ câu trả lời thoả đáng từ các cơ quan có trách nhiệm của tỉnh Yên Bái.