Dân Việt

Đừng quá tham đồng tiền sinh lời

24/10/2011 15:34 GMT+7
(Dân Việt) - “Mổ xẻ” tín dụng “đen” dưới góc nhìn liên quan nhiều tới chính sách tiền tệ, phóng viên đã trao đổi với chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, thành viên thường trực HĐQT Ngân hàng An Bình.
img
Ông Nguyễn Trí Hiếu

Thời gian gần đây xảy ra liên tục các vụ vỡ nợ tín dụng “đen”. Là người hoạt động trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, ông có nhận xét gì về tình trạng này?

- Hiện tượng tín dụng “đen” là phổ biến khi mà kinh tế đất nước gặp khó khăn. Trong bối cảnh NHTM siết tín dụng thì đẩy cá nhân và doanh nghiệp tìm đến tín dụng “đen” để vay vốn, thỏa mãn nhu cầu tài chính của mình và kênh tín dụng phi chính thức có cơ hội để phát triển.

Việc vỡ nợ đã xảy ra từ trước và không chỉ ở VN. Khi nguồn tài trợ chính thống là NH bị thắt chặt thì người dân và doanh nghiệp có khuynh hướng đi tìm chỗ khác để vay. Phổ biến nhất là tiệm cầm đồ, chợ cho vay với lãi suất cao, ngoài ra những tổ chức tài chính ở ngoài nữa, trong đó có những loại tín dụng, gọi là tín dụng “đen”.

Theo ông tại sao thời điểm này lại xảy ra liên tục như vậy? Liệu có phải do chính sách thắt chặt tiền tệ kéo dài khiến cho kênh vay vốn chính thống bị chặn lại?

- Đó chỉ là một nguyên nhân chứ không phải nguyên nhân chính. Tôi nghĩ nguyên nhân chính của tín dụng “đen” là do tình trạng kinh tế trở nên khó khăn buộc những doanh nghiệp muốn đi vay, cá nhân thất nghiệp không có tài sản thế chấp, doanh nghiệp có thể ngừng sản xuất phải tìm tới kênh tín dụng “đen”.

Nhưng rõ ràng không thể coi chuyện vỡ nợ tín dụng hàng loạt là chuyện bình thường, chắc chắn nó phải có nguyên do từ hệ thống ngân hàng đã không sâu sát đến người dân hoặc do cản trở từ chính sách tiền tệ?

- Việc đổ vỡ hàng loạt cần phải nghiên cứu con số đó chiếm phần trăm trên tổng phương tiện thanh toán để tách bạch đâu là tín dụng “đen”, đâu không phải tín dụng “đen”, nó là hoàn toàn hay chỉ một phần.

img
Các nạn nhân của vụ vỡ hụi tại chợ Hàm Mỹ (xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận).

Thời gian qua có rất nhiều tin đồn xoay quanh các chính sách tài chính, tiền tệ, khiến người dân buộc phải tin vào cái lợi trước mắt, gửi gắm vào tín dụng “đen”?

- Tôi không nghĩ là người dân họ chuyển hướng niềm tin từ ngân hàng chính quy sang những loại tín dụng khác. Nhưng trong thời buổi lạm phát cao, hơn 20% so với năm ngoái thì niềm tin của người dân sẽ suy giảm đối với đồng nội tệ. Chính vì vậy, vàng và đồng đô la tăng lên, nhiều người tìm vào kênh này trú ẩn khiến sụt giảm niềm tin nội tệ. Việc giảm lòng tin đó không giải thích được lý do đẩy một số người vào tín dụng “đen”.

Lý giải việc người dân chấp nhận gửi tiền vào tín dụng “đen” là vì họ muốn bảo vệ giá trị của đồng tiền với lãi suất mà họ cho là hợp lý bất chấp sự rủi ro, bởi kênh huy động của NH không làm họ thỏa mãn khi lạm phát tới 20% mà lãi suất họ nhận được chỉ 14%. Ông có đồng tình với giải thích này?

- Tôi ủng hộ quan điểm, xét thực âm hay thực dương phải nhìn về phía trước, nghĩa là trong 12 tháng tới lạm phát thấp hơn 14% là thực dương, nếu trên 14% mới thực âm. Trong khi đó, nhiều người không nghĩ như vậy, họ thấy lạm phát trên 20%, trong khi ngân hàng trả 14%, thì là thực âm. Vì cho rằng tiền của mình bị mất giá quá nhiều nên phải tìm vào vàng, và bỏ tiền vào tín dụng “đen” để có ý định sinh lời tốt hơn. Đó cũng là bài học cho những ai quá tham đồng tiền sinh lời.

Xin hỏi ông một câu hỏi có phần riêng tư, cá nhân ông có gửi vào ngân hàng thời điểm này không?

- Thật sự tôi nói cái này không phải do tôi làm ở ngân hàng nên nói vậy, nhưng hiện tại tôi vẫn đang gửi tiền vào ngân hàng. Và tôi cho rằng lãi suất 14% không phải là dở. Nếu bỏ tiền vào BĐS, hay chứng khoán, hay ngoại hối đều rất nhiều rủi ro.

BĐS không khởi sắc, vàng chưa chắc là phần thắng, thành ra gửi tiền ngân hàng chuyện mất vốn khó xảy ra trong 6, 12 tháng tới. Mặc dù lãi suất 14% là thấp nhưng an toàn. Kể cả xảy ra tình huống lãnh đạo ngân hàng ôm tiền chạy trốn thì NHNN sẽ vào cuộc và cơ quan bảo hiểm tiền gửi sẽ chịu trách nhiệm với khoản tiền gửi của khách hàng tùy theo mức độ.

Xin cảm ơn ông!