Dân Việt

Giá tăng, lúa vẫn tồn nhiều

22/03/2010 14:27 GMT+7
NTNN - Cuối tuần qua, giá lúa tại ĐBSCL tăng nhẹ 200-300 đồng/kg. Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân là Hiệp hội Lương thực Việt Nam thúc ép các công ty thành viên thu mua gạo tạm trữ, chứ chưa phải tín hiệu tốt từ thị trường.

img
Tiến độ thu mua của nhiều doanh nghiệp chậm nên tại nhà các hộ dân đang tồn lượng lúa rất lớn.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong kế hoạch chỉ đạo 30 doanh nghiệp hội viên thu mua 1 triệu tấn gạo tạm trữ, đến ngày 21-3 đã có hơn 700.000 tấn nhập kho.

Giá lúa tăng nhẹ

Tại Kiên Giang, giá lúa khô mua tại nhà dân chiều hôm qua (21-3) đạt mức ổn định từ 4.100 - 4.200 đồng/kg. Lúa IR50404 (khô, chất lượng tốt để sản xuất gạo 5% tấm xuất khẩu) đang được thu mua trở lại ở một vài huyện.

Cùng lúc đó, tại điểm giao dịch lúa gạo đầu mối ở TP.Long Xuyên (An Giang), giá lúa mua tại kho nhà máy có nơi đã đến 4.300 đồng/kg. Mức này tương đương giá mua tại nhà dân vào khoảng 4.200  - 4.250 đồng/kg. 

Tại xã Lương An Trà (huyện Tri Tôn) nông dân vừa bán được lúa giá 4.300-4.400 đồng/kg tại chân ruộng, cao hơn 200 đồng/kg so với tuần trước.

Bà Trần Thị Mỹ (45 tuổi, ngụ phường Phước Thới, quận Ô Môn, Cần Thơ) cho biết: Tui vừa bán mấy chục tấn lúa cho ghe lái, giá 4.200 đồng/kg. Tui thấy làm được vậy hoài là hay lắm! Đã lâu rồi, nông dân tụi tui mới bán được lúa giá tại ruộng bằng với giá tại nhà máy như vậy".

Một số bà con nông dân làm lúa cao sản như giống lúa hạt dài, thơm Jasmine, OM... ở các huyện Hồng Ngự và Thanh Bình (Đồng Tháp) cũng cho hay: Giá lúa loại này cũng đang ổn định ở mức có lãi, dù không nhiều. Cụ thể nhóm OM hiện được thu mua tại ruộng, dao động ở mức giá từ 4.800 - 5.000 đồng/kg.

Cũng trong chiều qua, Sở NN&PTNT An Giang thông báo: Giá lúa thường trên thị trường tự do tỉnh này đang ở mức 4.100 đồng/kg mua tại nhà máy xay xát. So với 2 tuần trước, giá tăng hơn 300 đồng/kg. Còn lúa đông xuân tại các huyện đang thu hoạch rộ như Châu Phú, Tịnh Biên, Châu Thành, Tri Tôn... giá đã nhích lên từ 4.200 - 4.400 đồng/kg (mua tại nhà máy).

Tuy nhiên, tại một số vùng lúa lớn, ở vùng xa, khu vực giáp biên giới của các tỉnh Đồng Tháp, Long An, An Giang lại có xu hướng giảm giá. Một số hộ dân ở xã Mỹ An (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, họ chỉ bán được lúa với giá 3.800 - 3.900 đồng/kg và cũng rất khó bán.

Tiến độ thu mua vẫn chậm

Nếu chậm trễ thu mua lúa trong dân, thời tiết bất thường như vậy mùa mưa năm nay có thể về sớm bất cứ lúc nào… Khi đó, thiệt hại sẽ rất nặng nề!.

Theo một số chuyên gia thị trường lúa gạo, giá lúa có hướng ổn định là do tác động tâm lý và việc  VFA liên tục lên tiếng "thúc ép" hoạt động thu mua của các công ty thành viên. Một số nơi giá lúa có xu hướng nhích lên nhẹ, điển hình như Cần Thơ và Kiên Giang, là do chính quyền địa phương nhanh nhạy, có chính sách điều hành tốt, và các công ty lương thực phối hợp đẩy mạnh thu mua.

Tuy nhiên, nhìn chung nông dân ĐBSCL vẫn chưa thoát khỏi tình trạng lúa ế, giá dù có nhích lên vẫn ở mức thấp.

Một giám đốc công ty lương thực lớn ở An Giang lo lắng: "Kho của chúng tôi đã quá tải, không thể thu mua thêm. Hiện chúng tôi phải đi thuê kho gửi gạo ở nhiều nơi và phải trả chi phí cho chủ trương thu mua tạm trữ này. Trong vòng 1 tháng tới, nếu không được Hiệp hội tạo điều kiện ký hợp đồng xuất khẩu mới, giải phóng được mấy chục ngàn tấn tồn đọng này, chúng tôi sẽ không mua vào nữa. Dù có bị phạt cũng đành chịu!". 

Nhiều ý kiến khác cũng bày tỏ lo ngại và cho rằng diễn biến tăng giá chỉ là nhất thời và có tính "tâm lý" nhiều hơn thực tế. Tiến độ thu mua của các công ty lương thực trên các địa bàn còn chậm. Thậm chí có nơi lúa tồn trong dân bắt đầu nhiều lên vẫn không thấy bóng dáng thương lái đâu.

Anh Nguyễn Văn Hận (38 tuổi, nông dân ở xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, Hậu Giang), nói: "Nghe nói nhà nước mua lúa tạm trữ gì đó, giá trên 4.000 đồng/kg, nhưng chờ hoài đâu có thấy ai vô mua?! Ở vùng này thu hoạch gần hết rồi, lúa chất đầy nhà. Kéo dài thêm chừng 2 tuần nữa chắc nông dân tụi tui thiệt lớn...".