Phe “áo đỏ” chuẩn bị tưới máu vào tư dinh Thủ tướng Abhisit trưa 17-3 . |
Bức tranh máu
Cuộc biểu tình chống Chính phủ tại Thái Lan, do phe “áo đỏ” thuộc Mặt trận Thống nhất Dân chủ chống độc tài (UDD) tiến hành đã lên tới đỉnh điểm, với việc gần 10.000 người tự nguyện “trích” ra cả triệu cc máu để tưới vào trụ sở Chính phủ, tư dinh và nơi làm việc của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva.
Chưa hết, hôm qua 21-3, một số lãnh đạo cuộc biểu tình còn tận dụng 15 chai máu còn lại để “vẽ” lên một bức tranh máu khổng lồ ở trung tâm thủ đô Bangkok. Để thực hiện ý tưởng này, phe “áo đỏ” đã chuẩn bị một tấm bạt lớn màu trắng để vẽ tranh và viết lên những bài thơ, những "tuyên ngôn chính trị".
"Tác phẩm" kỳ dị này có chủ đề thể hiện cuộc đấu tranh của những người "áo đỏ". Kế hoạch trên được đưa ra sau khi có khoảng 65.000 người "áo đỏ" đi trên 7.000 xe tải, ô tô và 10.000 xe máy tham gia cuộc tuần hành dài khoảng 10km ở thủ đô Bangkok, làm ngưng trệ hoạt động giao thông tại nhiều nơi.
Nếu để ý tới các cuộc biểu tình từ trước tới nay trên thế giới, có lẽ máu chỉ đổ khi nào xảy ra đụng độ giữa người tham gia biểu tình và cảnh sát, hoặc giữa các phe tuần hành đối lập nhau, chứ hiếm có nơi nào như Thái Lan, người đi biểu tình lại tự nguyện hiến tặng máu chỉ để… tưới vào cổng hay đổ vung vãi ra đất.
Bàn tán xung quanh việc này, giới phân tích ở Bangkok cho rằng, máu sẽ còn tiếp tục đổ vì biểu tình đang có dấu hiệu biến thành cuộc bạo động nghiêm trọng, nếu như Chính phủ không thỏa mãn yêu sách của phe “áo đỏ” là từ chức và tiến hành một cuộc bầu cử sớm.
Trong khi đó, tờ “Dân tộc” của Thái Lan giải thích rằng, người biểu tình sử dụng máu nhằm phản ánh sự quyết tâm chống đối Chính phủ đến cùng trong cuộc tuần hành mà họ tuyên bố là có thể kéo dài “vô thời hạn” này.
Các khẩu hiệu phe “áo đỏ” đưa ra cũng cho thấy rõ điều đó: “Khi Thủ tướng và các quan chức Chính phủ tới nơi làm việc hoặc về nhà riêng, họ sẽ phải dẫm vào máu của chúng tôi”.
Có ý kiến khác lại khẳng định, việc dùng máu trong cuộc biểu tình chỉ đơn giản mang tính chất biểu tượng hoặc để “cùng tông” với màu áo mà họ mang trên người, cũng là nhằm thể hiện một cuộc xuống đường nổi bật hơn so với phe “áo vàng” chống cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra trong các cuộc tuần hành năm 2008.
Lãng phí và nguy hiểm
Mục tiêu ban đầu của UDD là thu thập đủ 1 triệu cc máu (khoảng 1.000 lít) để “dọa” Chính phủ và thêm 2 triệu cc nữa nếu nội các của ông Abhisit vẫn không chịu nhượng bộ. Tuy nhiên cuộc “đổ máu” của phe “áo đỏ” đã cho thấy một cách thức biểu tình vô cùng lãng phí và tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh.
Ngay sau khi máu được tưới vào các địa điểm của Chính phủ và tư dinh của ông Abhisit (ngày 16 và 17-3), hàng chục nhân viên vệ sinh đã nhanh chóng lao tới dùng vòi rồng tẩy rửa. Hành động này được lặp lại mỗi khi có thêm máu được đổ xuống.
Các tổ chức sức khỏe và Hội Chữ thập đỏ khắp nơi trên thế giới đã lên tiếng chỉ trích hành động tưới máu này, cho rằng việc làm đó đã tạo ra mối nguy hiểm lớn cho sức khoẻ của chính những người cho máu.
Cách biểu tình của Hiệp hội Bảo vệ động vật (PETA) với máu giả. |
Tổ chức Chữ thập đỏ Thái Lan trước đó đã kêu gọi người biểu tình thay vì tưới máu một cách lãng phí hãy để dành lượng máu đó cho hàng trăm bệnh nhân đang cần tới nó.
Mặc dù UDD tuyên bố những người cho máu đã được kiểm tra sức khỏe và thực hiện nhiều biện pháp vệ sinh, song theo BBC, nhiều cc máu của người dân được trộn với… phân để phun ra tại trụ sở Chính phủ, tạo ra một môi trường đầy rẫy vi trùng và lý tưởng cho sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm, có thể gây tử vong cho những người hiến máu.
Tiến sĩ Ubonwan Jarunreungrit đã đưa ra cảnh báo với Hội Chữ thập đỏ Thái Lan: “Sau nhiều ngày biểu tình mỏi mệt, cộng thêm nắng nóng tới 350C, người cho máu có khả năng bị sốc, đột quỵ và chết tại chỗ sau mỗi lần hiến máu”.
Đó là chưa kể đến việc kiểm tra chất lượng kim tiêm mà nhiều người biểu tình mang tới, dù cho họ khẳng định rằng đó là những chiếc kim sạch. “Không ai đảm bảo rằng việc chích máu không làm lây nhiễm virus HIV hoặc viêm gan” - ông Ubonwan nói.
Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết, những người không trực tiếp cho máu nhưng lại có mặt ở các địa điểm tưới máu cũng đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm với HIV hoặc viêm gan C. Hiện Thái Lan là quốc gia có tỷ lệ người nhiễm HIV và viêm gan C khá cao, khoảng 10% trong tổng số các bệnh nhân tới khám tại các cơ sở y tế.