Nhiều cơ quan báo chí đang hoạt động trong điều kiện khó khăn nên cần được hưởng ưu đãi về thuế. |
Không đánh thuế đối với hoạt động báo chí
Để báo chí thực hiện nhiệm vụ của mình, Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn quy định cơ quan chủ quản báo chí có trách nhiệm bố trí các nguồn lực cần thiết cho cơ quan báo chí (CQBC) hoạt động.
Hiện nay một số CQBC hoạt động theo cơ chế DN, tự đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động, không cần ngân sách hỗ trợ kinh phí... Thực thi Luật Thuế TNDN, một số CQBC nêu ý kiến không nên đánh thuế đối với CQBC bởi các báo hiện nay đang rất khó khăn, cần giảm thuế để tích luỹ, tái đầu tư, nâng cao cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực. Xung quanh vấn đề này, xin trao đổi một số ý kiến như sau:
Trước hết, xin được nói rõ rằng: Hiện nay không thu thuế TNDN, thuế giá trị gia tăng đối với các nguồn thu từ hoạt động báo chí, xuất bản theo nhiệm vụ chính trị và nguồn thu nhận tài trợ để thực hiện các chương trình nhân đạo, từ thiện, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng... được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Thuế TNDN chỉ áp dụng trong trường hợp CQBC thực hiện hoạt động kinh doanh dịch vụ có TN để đảm bảo sự công bằng, bình đẳng đối với các đối tượng khác có cùng hoạt động.
Có quan điểm cho rằng các hoạt động kinh doanh dịch vụ chỉ là các hoạt động bổ sung hoặc phát sinh do điều kiện đặc thù của báo chí, nên chăng không đánh thuế?
Đề xuất này đã được đưa ra thảo luận trong quá trình soạn thảo dự án Luật Thuế TNDN để trình Quốc hội thông qua năm 2008 nhưng không được chấp nhận với lý do các hoạt động có thu ngoài nhiệm vụ chính trị của báo chí là các dịch vụ thông thường, mọi tổ chức, cá nhân và DN đều có thể làm, cần thực hiện thống nhất, bình đẳng nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật hiện hành.
Có cơ chế đặc thù với báo chí
Qua nghiên cứu ý kiến trao đổi của một số CQBC, cơ quan thuế địa phương, tôi xin đề xuất một số giải pháp liên quan đến chính sách thuế TNDN để có thể trình Chính phủ cho triển khai thực hiện. Đó là:
Về nguồn thu từ quảng cáo trên báo chí, với đặc thù là việc quảng cáo được thể hiện luôn trên ấn phẩm báo chí hoặc chương trình phát sóng, cho nên nguồn thu này không thể tách rời nguồn thu về xuất bản, phát hành, chương trình chính.
Vì vậy, xin đề xuất cho vận dụng theo cơ chế: Nguồn thu quảng cáo sau khi nộp đủ thuế GTGT, bù đắp chi phí quảng cáo, trong đó có cả chi phí đầu tư phát triển (dưới hình thức khấu hao thiết bị, tài sản); chi phí lãi vay, chi trả cho phóng viên, cộng tác viên, nhân viên… còn lại sẽ được sử dụng một phần để bù đắp chi phí cho hoạt động báo chí (nếu nguồn thu phát hành, xuất bản không đủ bù số chi), số còn lại mới đưa vào TN tính thuế, và nếu không còn thì sẽ không phải nộp thuế.
Ngoài những ý kiến vừa nêu ở trên, cũng có không ít ý kiến đề nghị nên cho báo chí áp dụng cơ chế "linh hoạt" hoặc "mềm dẻo" hơn khi xác định TN chịu thuế đối với hoạt động có thu để các nguồn thu này có thể được sử dụng ngay cho nhiệm vụ chính của báo chí.
Theo tôi, vấn đề này tuy vượt quá khuôn khổ pháp luật hiện hành nhưng cần được nghiên cứu, nhất là về chi phí tiền lương. Đã đến lúc có thể trình Thủ tướng Chính phủ cho phép CQBC, xuất bản được hạch toán chi phí tiền lương (bao gồm cả TN tăng thêm) vào chi phí hợp lý theo số thực chi theo quy định của hợp đồng lao động như cơ chế DN đối với hoạt động có thu đang áp dụng Luật Thuế TNDN, đương nhiên là áp dụng chung mức thuế suất đối với cùng hoạt động dịch vụ mà các DN đang làm.
Vấn đề này, có thể sẽ phát sinh hệ lụy chính sách là một số CQBC có thể so bì với những báo khác do vị trí của cơ quan đó không thể làm, thậm chí không được làm những việc mà các báo khác đang thực hiện.
Khi đó, chúng ta có thể đề xuất với Chính phủ, Quốc hội áp dụng cơ chế hỗ trợ tài chính đặc thù để bù lại cho sự thiệt thòi của những CQBC vì nhiệm vụ chính trị mà họ không thể làm thêm dịch vụ, mặc dù họ có năng lực, có thể làm.
Bên cạnh đó, để phản ánh đủ các chi phí khi xác định TN chịu thuế và tạo điều kiện cho các CQBC nâng cao chất lượng tin bài, tôi cho rằng một mặt cần trình với Chính phủ sửa đổi quy định về nhuận bút, thay thế cho những quy định không còn phù hợp với thực tiễn.
Tôi xin đề xuất cần xem xét coi khoản chi trả nhuận bút báo chí như là chi phí tiền lương, dịch vụ mua ngoài (tuỳ thuộc cá nhân là phóng viên ký hợp đồng lao động hay cộng tác viên, tác giả bài viết), CQBC được tính toàn bộ khoản chi trả nhuận bút vào chi phí được trừ khi xác định TN chịu thuế TNDN theo số thực chi (kể cả trường hợp có thể trả mức cao hơn), trên cơ sở Quy chế tài chính của CQBC và có đủ hoá đơn, chứng từ chi hợp pháp.