Dân Việt

Rùng mình vụ thảm sát 10 làng ở Congo

31/03/2010 15:05 GMT+7
NTNN - Hãng tin BBC ngày 28-3 công bố thông tin: "Đội quân kháng chiến của Chúa" đã thảm sát 10 làng ở CHDC Congo làm 321 người chết. Hành động tàn ác của chúng khiến cộng đồng quốc tế rùng mình.

img
Phiến quân LRA tại CHDC Congo.

Hành hình ghê rợn

 

Sáng 14-12-2009, người dân ở 10 ngôi làng thuộc khu vực Makombo phía Đông Bắc CHDC Congo vẫn bắt tay làm những công việc đồng áng như mọi ngày. Bỗng xung quanh họ vang lên những tiếng súng chát chúa.

Sau loạt súng thị uy, hàng trăm phiến quân dữ dằn, được trang bị mã tấu, dao rựa, tiểu liên AK, súng phóng lựu tràn vào trói gô dân làng và dồn họ ra các khoảng đất trống. Nam giới, phụ nữ và trẻ em được chia ra thành những nhóm nhỏ. Những người dân vô tội sợ hãi đến ngất xỉu vì biết rằng, họ đang đối mặt với những chiến binh khát máu thuộc "Đội quân kháng chiến của Chúa" (LRA).  

Anh C.Singbatile - một người dân may mắn thoát chết dưới tay LRA kể lại: "Sau khi dùng thổ ngữ địa phương trấn an dân làng, chúng tập trung chúng tôi lại và ra tay. Đầu tiên chúng lôi một thanh niên ra giữa sân, trói nghiến anh ta lại và bắt quỳ xuống.

Sau đó 2 tên to cao lực lưỡng cầm gậy liên tục đập mạnh vào đầu nạn nhân. Khi thấy anh ấy vẫn còn thoi thóp trong vũng máu, chúng đã dùng dao quắm chém đến khi nạn nhân chết hẳn".

Một người thoát chết khác là M.Abaqua kinh hoàng nhớ lại: "Khi thấy giết người bằng gậy mất nhiều thời gian, chúng thay nhau dùng rìu và dao rựa chém chết hàng chục người rồi vứt xác họ chồng chất lên nhau.

Một số người khác bị chúng ghè đầu xuống đất rồi dùng các cột gỗ tròn nghiền vỡ nát hộp sọ". Abakuba cho biết, tội ác man rợ của LRA lên đến đỉnh điểm khi chúng hãm hiếp một bé gái 3 tuổi rồi thản nhiên ném cô bé vào đống lửa đang cháy ngùn ngụt.

Singbatile và Abaqua là hai trong số rất ít nạn nhân sống sót sau chiến dịch tàn sát đẫm máu tại khu vực Makombo. Suốt 4 ngày diễn ra cuộc thảm sát (từ 14 đến 17-12-2009), ít nhất 321 người dân vô tội đã bị LRA giết chết, trong đó ít nhất có 13 phụ nữ và 23 trẻ em.

Trong bản phúc trình dài 67 trang công bố hôm 28-3 mang tên "Con đường tử thần: Sự tàn bạo của LRA", Tổ chức Giám sát nhân quyền (HRW)) nêu rõ, các nhóm phiến quân, mỗi nhóm có khoảng 25-40 tên, đã vượt quãng đường dài khoảng 100km đến địa bàn gây án. Chúng vào làng, giả dạng như quân đội Chính phủ CHDC Congo và binh sĩ Uganda đi tuần tra, rồi sau đó ra tay giết hại.

Trước đó, phiến quân đã có ý đồ bắt cóc nên tra hỏi rất kỹ những địa điểm dân làng thường tụ tập như chợ búa, nhà thờ, trường học. Trong số những người bị bắt cóc có nhiều trẻ em tuổi từ 10-15.

Ông Alan Doss - Trưởng phái đoàn gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc (LHQ) ở Congo cho biết: "Các nhóm LRA chia ra tấn công vào 10 ngôi làng ở Makombo vào cùng một thời điểm, nên rất ít người kịp trốn chạy".

Sau khi cuộc thảm sát diễn ra, phiến quân cột chặt 250 người (trong đó có 80 trẻ em) với nhau bằng dây thừng, chia họ thành từng nhóm từ 5 - 15 người và dẫn đi. Những người bị bắt cóc còn phải mang vác vật dụng mà phiến quân cướp được. Người nào tỏ ý phản kháng, có ý đồ bỏ trốn hoặc không bước đi nổi đều bị giết.

Jean Claude, 16 tuổi, phải vác bao tải muối cho phiến quân trong nhiều ngày trời nói với BBC: "Trong lúc chúng tôi di chuyển, LRA liên tục giết người. Họ cũng muốn giết tôi, nhưng thủ lĩnh của họ ra lệnh giữ tôi lại vì cần người khỏe mạnh để mang vác những vật dụng cướp bóc được".

img
Một lính trẻ em ở Congo.

Đội quân khát máu

LRA do Joseph Kony dựng lên vào năm 1997, đặt căn cứ chính tại miền bắc Uganda, nhưng hoạt động tại nhiều nước ở châu Phi, như Sudan, CH Trung Phi và CHDC Congo. Ban đầu LRA chỉ có vài chục thành viên nhưng nhanh chóng gây dựng lực lượng bằng cách bắt cóc và cưỡng bức thường dân, đặc biệt là các trẻ em trai, rồi sau đó huấn luyện họ trở thành các chiến binh máu lạnh. Cuộc thảm sát tại khu vực Makombo đã được chỉ đạo bởi 2 thủ lĩnh chủ chốt của LRA: Binansio Okumu (còn gọi là Binany) và Dominic Ongwen. Cả 3 tên Okumu, Ongwen và một thủ lĩnh khác của LRA là Obol hiện đang bị Chính phủ Congo truy nã gắt gao với các cáo buộc tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại.

Báo cáo của HRW cho biết, ngày 13-12-2009, một nhóm quân LRA đã vượt sông Uele, tới một ngôi chợ ở làng Mabanga Ya Yalo phía đông bắc. Chúng cũng mặc quân phục giả dạng làm binh lính Chính phủ Congo và hỏi xin dân làng lương thực. Sau đó chúng yêu cầu người dân vận chuyển hàng. Khi bị từ chối, chúng liền quay lại tấn công họ.

Người lớn bị bắt, bị đánh đập và bắt buộc phải khuân vác hàng hóa. Không đi kịp theo đoàn, họ bị đánh bằng gậy hoặc bị chém chết. Quân LRA cũng lặp lại việc làm tương tự tại các làng khác trên quãng đường 45km từ đó tới khu vực Makombo.

HRW phối hợp cùng giới chức địa phương đã chứng thực có ít nhất 321 người chết, nhưng có thể con số thực tế còn lớn hơn rất nhiều. Nhiều dân làng hiện quá sợ hãi nên không dám quay về chỗ cũ.

Mặc dù cuộc thảm sát diễn ra từ tháng 12 năm ngoái, nhưng mãi đến khi LHQ và Tổ chức HRW vào cuộc điều tra thì vụ việc mới được sáng tỏ. Trước đó, quân đội CongoUganda đã được điều đến hiện trường song họ chỉ đưa ra được một số chứng cứ không mấy quan trọng.

Giao tranh giữa quân đội và một số phiến quân cũng xảy ra song đó chỉ là những cuộc đụng độ lẻ tẻ và Chính phủ chỉ nhận được báo cáo đơn giản rằng LRA là một "lực lượng nguy hiểm". Tuy nhiên, "đội quân kháng chiến của Chúa" thực chất đáng sợ hơn thế rất nhiều.

Tại CHDC Congo, nhiều người biết đến sự hung hãn của LRA qua mức độ cuồng tín của chúng. "Tôn chỉ" hoạt động của nhóm vũ trang này chủ yếu là nhằm thành lập một chính phủ riêng.

Một quan chức của HRW cho biết: "Đối tượng bắt cóc của LRA tập trung vào các trẻ em. Bé trai thì bị huấn luyện để trở thành chiến binh, trong khi bé gái bị buộc làm nô lệ tình dục". Nhiều bé gái đã bị LRA bắt để làm "quà tặng" cho các thủ lĩnh phiến quân khác ở Sudan hoặc để đổi lấy vũ khí, đạn dược. Một số trẻ em chạy thoát hoặc được cứu song chỗ ẩn náu của các em hiện nay chưa ai biết.

Theo đánh giá của Tổ chức Ân xá quốc tế, nếu không cưỡng bức trẻ em, quân số của LRA bất quá cũng chỉ khoảng vài trăm tên. Kể từ năm 1998 đến nay, hơn 6.000 trẻ em đã bị LRA bắt đi huấn luyện làm phiến quân.

Bó tay?

Theo đánh giá của AFP, tội ác của phiến quân LRA gây ra ở CHDC Congo có mức độ còn tàn ác và dã man hơn cuộc thảm sát bằng dao rựa mà các băng nhóm thuộc bộ tộc Fulani gây ra ở Nigeria hồi đầu tháng 3 này. 

LHQ đã từng nghe nhiều tin đồn về sự tàn bạo của LRA và đã ra lệnh tăng cường lực lượng đóng trong khu vực. Tuy nhiên binh lính gìn giữ hòa bình của LHQ chỉ mới được triển khai tại các thị trấn như Dungu và Niangara, chứ chưa có mặt ở những làng mạc xa xôi như Makombo.

Người dân địa phương đặt câu hỏi tại sao LHQ và quân đội các nước CongoUganda không hợp tác chặt chẽ hơn để chặn đứng LRA? Quân đội Uganda từng cho hay cuộc tổng tiến công cùng quân đội Sudan và Congo hồi tháng 12-2008 đã tận diệt lực lượng LRA, trong đó có thủ lĩnh cao cấp nhất là Joseph Kony. Thế nhưng bất chấp các nỗ lực tiễu trừ của Chính phủ CongoSudan, LRA đã tập hợp lại lực lượng và tổ chức nhiều vụ tấn công đẫm máu.

Hiện Congo cũng được nhận sự hỗ trợ lớn từ LHQ. Thế nhưng bà Anneke van Woudenberg từ Tổ chức HRW khẳng định, vụ thảm sát mới cho thấy "bằng chứng rõ ràng" về sức mạnh ngày càng tăng của LRA. Bà Woudenberg kêu gọi: "Thay vì tảng lờ thông tin, các chính quyền trong khu vực và lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ cần cộng tác để bảo vệ dân thường và xây dựng chiến lược nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề LRA".