Dân Việt

Xuất ngoại hợp tác... đánh cá

05/04/2010 10:24 GMT+7
NTNN - Trong khi hoạt động kiểm soát lãnh hải của nhiều nước đang ngày càng gắt gao thì việc một số địa phương, doanh nghiệp (DN) hợp tác với các đối tác khác đưa ngư dân VN ra nước ngoài đánh bắt hải sản đang rất được chú ý.

img
Ngư dân đang mong được Nhà nước sớm hỗ trợ và hướng dẫn việc nước ngoài đánh bắt hải sản.

Lợi cả đôi bên 

Công ty Khai thác hải sản Đại Dương (Bình Định) đang có dự định hợp tác với một số đối tác Indonesia để đưa 40 tàu cá đầu tiên của Bình Định cũng như VN sang đánh bắt tại ngư trường Indonesia. Để đảm bảo an toàn, tránh bị tàu lạ tấn công, những tàu cá này sẽ được thay đổi màu sơn và mang cờ của Indonesia.

Phó Giám đốc của Công ty Đại Dương cho biết: “Lượng tàu ngày càng dày đặc cùng với mức độ khai thác ngày càng nhiều khiến nguồn lợi thuỷ sản vùng biển nước ta đang cạn kiệt. Nhiều công ty đã chọn giải pháp sang nước bạn khai thác để duy trì hoạt động. Chúng tôi cũng đang triển khai từng bước để thực hiện ý định đó.”

Cũng theo vị này, hiện nay vùng biển Malaysia, Myanmar, đặc biệt là Indonesia đang là những điểm đến ưa thích của các DN bởi nguồn lợi hải sản lớn, ngư trường thuận lợi cho việc đánh bắt. Theo ông này, nếu sang đó đánh bắt thu nhập của ngư dân sẽ cao hơn gấp 4 lần so với việc đánh bắt ở VN.

Cụ thể thu nhập của họ sẽ tăng lên 20 triệu đồng mỗi chuyến. “Việc hợp tác đánh bắt ở nước bạn cũng đem lại rất nhiều lợi ích DN. Chỉ tính riêng tiền dầu, mỗi chuyến đánh bắt sẽ tiết kiệm được không dưới 200 triệu đồng/ tàu”- Phó Giám đốc Công ty Đại Dương nói.

Theo ông Lê Trần Nguyên Hùng, đối với một nước có đông ngư dân, lắm tàu thuyền như VN thì việc hợp tác khai thác thuỷ sản đối với các nước   trong khu vực cũng như các vùng biển khác như Nam Phi, Ấn Độ... là hướng phát triển cần phải có và lâu dài.

Trong thời gian qua, Bộ NN&PTNT không chỉ đàm phán với Malaysia mà còn đồng thời đàm phán với Indonesia, Philippines, Myanmar... về vấn đề này.

Tại một số tỉnh ĐBSCL, thời gian qua rất nhiều ngư dân đã có “sáng kiến” làm hợp đồng chuyển nhượng tàu với người Malaysia. Sau đó, ngư dân sang Malaysia  đánh bắt hợp pháp trên lãnh hải nước bạn. Theo thống kê, tại huyện Trần Văn Thời, Cà Mau đang có 37 tàu với hơn 400 ngư dân khai thác tại vùng biển Malaysia.

Ông Đỗ Chí Sỹ - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ và khai thác thuỷ sản Cà Mau cho biết: Chỉ riêng năm 2009, toàn tỉnh có 43 tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, trong đó Malaysia bắt giữ và tịch thu 6 chiếc, với  hơn 200 người dân. Tuy nhiên, từ khi người dân hợp tác khai thác với Malaysia thì không còn tình trạng ngư dân bị bắt giữ nữa.

Nhà nước cần hỗ trợ

Mặc dù  hợp tác xuất ngoại mang nhiều lợi ích nhưng không phải không có khó khăn. Ông Phạm Biên Giới- ngư dân thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời, Cà Mau) nói: Việc chúng tôi làm hợp đồng chuyển nhượng chứa đựng nhiều rủi ro. Nếu đối tác “giở quẻ”, ngư dân chúng tôi nắm phần thiệt hại. Chúng tôi cần nhà nước có hướng dẫn cụ thể việc ký hợp đồng ra nước ngoài đánh bắt. - ông Giới  kiến nghị.

Còn theo Phó Giám đốc Công ty Đại Dương, hiện nay DN đang rất cần chính sách hỗ trợ vay vốn của nhà nước. Bên cạnh đó, ngư dân cũng cần được đào tạo lại để có bằng cấp chuyên ngành mang tính quốc tế. 

Trao đổi với NTNN, ông Lê Trần Nguyên Hùng - Trưởng Phòng Quản lý khai thác Thuỷ sản  (Bộ NN&PTNT) cho biết: Điều quan trọng lúc này thay vì hoạt động tự phát trái pháp luật, ngư dân nên củng cố kiến thức, nâng cao trình độ, tay nghề. Còn vấn đề sang nước bạn như thế nào thủ tục ra sao để có thể đánh bắt hợp pháp sẽ có nhà nước lo.

Cũng theo ông Hùng, hiện Bộ đã có hướng dẫn nói  rõ trình tự thủ tục đăng kiểm, đăng ký, và nhiều điều kiện đi kèm để ngư dân hay DN có thể hợp tác với các nước khác.