Dân Việt

Quan tòa bị dọa giết

15/06/2013 12:17 GMT+7
(Dân Việt) - Cựu Tổng thống (TT) Pháp Nicolas Sarkozy nổi tiếng chẳng ưa giới tư pháp Pháp, nhưng có lẽ trong cuộc đấu đá giữa ông với các quan tòa, chưa bao giờ có chuyện “nóng sốt” như chuyện mới nhất này:

Những vỏ đạn to rỗng mang ý dọa giết bỏ trong phong bì đã được gởi đến văn phòng của chánh án Jean-Michel Gentil ở Bordeaux vào ngày 27.3 qua đe dọa mạng sống của ông cùng người thân và lãnh đạo Công đoàn các thẩm phán (SM, khuynh tả).

img
Ông bà Sarkozy thời ông còn là tổng thống

Lý do: quan tòa “Tốt” (tiếng Pháp là Gentil) là thủ lĩnh bộ ba quan tòa điều tra vào ngày 21.3 đã chính thức đặt ông Sarkozy vào diện điều tra về tội lợi dụng sự lú lẫn của bà Liliane Bettencourt (nhà thừa kế hãng mỹ phẩm cao cấp L’Oreal) để nhận tiền tài trợ trái phép làm kinh phí tranh thành công chức TT Pháp hồi năm 2007. Các chuyên gia y tế nói bà Bettencourt đã bị yếu sức khỏe từ năm 2006. Nay 90 tuổi, bà Bettencourt hồi đầu tháng 3 trở thành người phụ nữ giàu thứ ba trên thế giới, với tài sản ròng ước tính lên đến 30 tỷ USD.

Hai nhà báo Pháp Jean-Pierre Elkabbach và Michael Darmon cũng nhận những lá thư dọa giết tương tự. Cả 3 lá thư đều có chữ ký của tổ chức cực hữu “Tương tác các lực lượng bảo vệ trật tự” (IFO), tố cáo quan tòa “Tốt” là “một trong những tên thẩm phán cách mạng đỏ, độc tài” và là hậu duệ của cuộc cách mạng “khủng bố” hồi những năm 1790 (tức cuộc Cách mạng Pháp). Các lá thư còn dọa các thẩm phán rằng “người của bọn bây sẽ biến mất”. Cảnh sát Pháp xét sự đe dọa này là nghiêm trọng, đã mở cuộc điều tra, cùng với một tổ công tố viên chống khủng bố.

SM đã cáo buộc luật sư Thierry Herzog của ông Sarkozy và các đồng minh chính trị của ông phải chịu trách nhiệm gián tiếp trước những đe dọa này. SM nói tính bạo lực trong các tuyên bố của “phe Sarkozy” gây ra “phản ứng hận thù dây chuyền” đối với hệ thống tư pháp. SM cũng lưu ý việc luật sư Herzog “đặt dấu hỏi về sự chí công vô tư” của quan tòa Gentil.

Vì hồi tháng 6.2012, ông cùng nhiều người hoạt động pháp lý ký tên vào một bài bình luận đăng trên báo Le Monde, tố cáo ông Sarkozy và cựu TT Jacques Chirac “chỉ muốn bao che bọn tham nhũng”. Thầy cãi Herzog nói 5 ngày sau bài báo này, quan tòa “Tốt” ra lệnh khám xét nhà và văn phòng của ông Sarkozy cùng nhà của thư ký của ông. Lúc đó vợ chồng ông Sarkozy đi nghỉ ở Canada, luật sư nói cuộc lục soát không tìm được gì. Nếu như cuộc điều tra kết thúc, với chứng cứ phạm tội rõ ràng, ông Sarkozy sẽ phải đối mặt với bản án 3 năm tù giam và một số tiền phạt 375.000 euro (462.000USD).

Gần đây ông Sarkozy tuyên bố đang xem xét khả năng trở lại chính trường Pháp. Nhưng cuộc điều tra đặt ông vào thế khó xử, trong khi người ủng hộ bức xúc trước việc ông Sarkozy bị đặt vào diện nghi can “lừa đảo bà già”.

img
Thẩm phán Genti

Họ “cú” chuyện quan tòa “Tốt” không tôn trọng cựu TT và lôi nước Pháp vào bùn đen, và cho rằng đó là cách “trả đũa” việc ông Sarkozy lúc cầm quyền (từ năm 2007 đến tháng 5.2012) đã luôn công khai quy trách nhiệm tình trạng tội phạm gia tăng, đe dọa xã hội cho các quan tòa làm việc cẩu thả và “cấu kết” với bọn tội phạm từng bị truy đuổi “tới số” vào thời ông Sarkozy còn làm Bộ trưởng Nội vụ. Ông Sarkozy - từng là luật sư - còn so sánh các thẩm phán là “lũ người óc bã đậu”.

Ông Sarkozy luôn phủ nhận lời tố cáo của nhiều nhân viên từng làm việc cho bà Bettencourt, rằng ông đã nhận nhiều phong bì tiền từ bà, tổng cộng là 5 triệu euro (6 triệu USD) cho chiến dịch tranh cử của ông vào năm 2007. Con số này vượt gấp nhiều lần giới hạn đóng góp cho phép của một cá nhân theo luật bầu cử Pháp.

Ông Sarkozy cũng có thể trở thành nhân vật chính trong cuộc điều tra khác: phải chăng các quan chức cấp cao trong chính phủ đã sử dụng cơ quan tình báo để theo dõi các nhà báo của tờ Le Monde, nhằm “phăng” ra ai là nguồn cung cấp tin tức về vụ nhận tiền của bà Bettencourt. Một chỉ huy an ninh và là “cạ” của ông Sarkozy đang bị điều tra vì scandal do thám chính trị này. Ông Sarkozy khẳng định ông không dính líu.

Ông Sarkozy hồi năm 2012 đã không thể có nhiệm kỳ TT thứ hai (thua ông Francois Hollande). Vài ngày sau khi mất quyền miễn trừ truy tố dành cho TT, ông Sarkozy cũng bị đại diện các nạn nhân trong vụ đánh bom ở Karachi (Pakistan) năm 2002 đâm đơn kiện.

Các nhà điều tra đang tìm hiểu khả năng chính phủ Pháp đã có một “hoa hồng” lớn khi bán tàu ngầm lớp Agosta cho Pakistan từ những năm 1990, và số tiền ấy có được dùng để ứng cử viên Edouard Balladur tranh cử TT năm 1995 hay không. Khi ấy, ông Sarkozy là Bộ trưởng Tài chính và phụ trách tranh cử cho Balladur, người thua TT Chirac.

Khi nhậm chức, ông Chirac đã cấm cho các sĩ quan hải quân Pakistan hưởng phần “lại quả”, kết quả là xảy ra vụ đánh bom ở Karachi năm 2002 khiến 11 kỹ sư quốc phòng Pháp thiệt mạng. Vụ này được cho là đòn trả thù. Hiện ông Chirac thụ án hai năm tù treo, do ông lạm dụng công quỹ cho mục đích chính trị lúc còn là thị trưởng Paris.

Tuy nhiên, để xoa dịu dư luận, ông Sarkozy cho biết đã hoãn chuyện kháng nghị việc quan tòa “Tốt” đặt ông vào diện điều tra. Vợ ông là nữ danh ca Carla Bruni đã khóc khi bác bỏ “không thể tin được” việc chồng bà có thể lợi dụng bà Bettencourt. Bà khẳng định vợ chồng bà sẽ làm tất cả để sự thật được sáng tỏ.

Có lẽ bất mãn vì chỉ được làm đệ nhất phu nhân Pháp 4 năm, bà vừa trút nhiều “bầu tâm sự” với tạp chí Vogue. Bà khẳng định dù đẻ con là điều tuyệt vời, bà cũng không thích đẻ vì suốt thời gian mang bầu, bà phải “nín”, không được hút thuốc lá. Tháng 11 năm ngoái bà Sarkozy 44 tuổi đẻ con gái Giulia, khi chồng bà còn là TT.

Ông bà quen nhau tại một tiệc tối năm 2007 và năm sau làm đám cưới, đó là lần “lên xe bông” thứ ba của ông nhưng là lần đầu tiên của bà, người đã cặp bồ với nhiều người đàn ông như hai ca sĩ Mick Jagger và Eric Clapton. Bà nói hôn nhân giúp bà thoát khỏi cảnh cô đơn và bà tin ông Sarkozy (57 tuổi) chung thủy với bà, dù ông xã chẳng là “mối tình của cả đời tôi”. Gần đây bà phải xin lỗi vì khiến giới phụ nữ đòi quyền bình đẳng giới ở Pháp bức xúc, do bà nói thế hệ bà không cần đòi nữ quyền, vai trò của thế hệ bà là ở nhà chăm sóc chồng con.

Theo Thế giới & Hội nhập