Vấn đề này đã được đưa ra mổ xẻ tại cuộc họp tổng kết xuất khẩu gạo quý I.2013 mới đây do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức.
Các doanh nghiệp cho rằng giá lúa trong nước cũng đã chạm đáy, không thể giảm nữa trong vài tháng tới. |
Lỗ vì tạm trữ?
Theo VFA, tính đến ngày 31.3, các doanh nghiệp đã hoàn thành việc thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ đông xuân 2013, đạt 100% kế hoạch. VFA cũng khẳng định, kế hoạch thu mua tạm trữ đã được triển khai thực hiện đúng yêu cầu, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, việc mua tạm trữ như một biện pháp kích cầu, giúp giữ giá lúa, gạo trên thị trường ổn định khi thu hoạch rộ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang phải chịu lỗ vì tạm trữ giá cao trong khi giá xuất khẩu liên tục giảm.
Ông Nguyễn Thanh Hoàng – Tổng Giám đốc Công ty Lương thực Vĩnh Long cho rằng, lúc bắt đầu thực hiện thu mua tạm trữ lúa gạo, doanh nghiệp mua vào với giá từ 405 -410USD/tấn, nay giá xuất khẩu chỉ còn 380–90USD/tấn, doanh nghiệp đang lỗ từ 25–30USD/tấn. Trong khi đó, mức hỗ trợ lãi suất của Chính phủ trong 3 tháng chỉ khoảng 15USD/tấn. Tính ra doanh nghiệp đang lỗ 15 USD/tấn, chưa kể trong tháng 4, giá xuất khẩu có thể xuống thấp nữa.
Ông Lâm Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát (Bến Tre) cũng cho rằng, việc doanh nghiệp thu tạm lúa thông qua thương lái, dù là cho chương trình tạm trữ hay mua thông thường, cũng là điều hiển nhiên. Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu lúa gạo không đủ điền kiện, năng lực cũng như kinh phí để tổ chức thu mua lúa tại ruộng cho nông dân.
Hơn nữa, theo ông Tuấn, vụ đông xuân thường kéo dài, Chính phủ chỉ yêu cầu doanh nghiệp thu mua tạm trữ thời điểm thu hoạch rộ, thời gian tạm trữ cũng do Chính phủ quyết định.
Còn theo ông Lê Tuấn – Giám đốc Công ty cổ phần XNK Vĩnh Long, các nhà chính sách và cơ quan chức năng ngành nông nghiệp cũng đồng ý rằng nông dân không thể tự thực hiện việc tạm trữ lúa gạo. Đến khi doanh nghiệp thực hiện thì lại nói ra, nói vào. Nhiều người chê nhưng đến nay, chưa có ai đưa ra được cơ chế tạm trữ nào hay hơn.
“Tại sao Nhà nước không khống chế giá các sản phẩm đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu… để giá thành cứ tăng lên hàng năm rồi bắt các công ty lương thực phải mua lên để đảm bảo nông dân có lãi 30% thì thật bất công? Trong khi các doanh nghiệp lương thực năm qua rất khó khăn”- ông Hoàng bức xúc.
Không để giá xuất khẩu hạ thêm
Trước tình hình tiêu thụ khó khăn, giá gạo liên tục xuống thấp, đe dọa lợi ích của người sản xuất, các doanh nghiệp thành viên VFA đã đặt quyết tâm giữ giá xuất khẩu trong tháng 4 tới.
Ông Lê Việt Hải – Giám đốc Công ty Mekong Cần Thơ cho biết, xét về tồn kho và chất lượng sản phẩm, gạo Việt Nam hiện vẫn có nhiều lợi thế hơn so với các đối thủ như Ấn Độ, Thái Lan. Cụ thể, giá thành sản xuất của Việt Nam thấp hơn Ấn Độ 30 – 40USD/tấn. Cùng lúc đó, gạo tồn kho của Thái Lan chất lượng giảm sút và đang bị áp lực phải giải phóng. Trong khi gạo Việt Nam giá không quá cao, chất lượng ổn định nên nếu doanh nghiệp nâng giá bán lên mức 400 – 410USD/tấn vẫn đảm bảo bán được hàng.
“Chưa kể cân đối cung - cầu trong nước hiện vẫn đang rất có lợi cho doanh nghiệp Việt Nam. Cả nước hiện còn khoảng 3 triệu tấn gạo, trong khi đã có hợp đồng xuất khẩu hơn 2 triệu tấn. Doanh nghiệp vẫn còn cả 3 tháng quý II để ký thêm hợp đồng mới, đảm bảo tiêu thụ hết lượng gạo trong nước với giá không quá thấp”- ông Hải phân tích. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Hoàng cho rằng, sang tháng 4, VFA nên đặt lại vấn đề quản lý xuất khẩu bằng giá sàn, các doanh nghiệp cũng không nên vội ký hợp đồng mới nếu giá quá thấp.
Ông Trương Thanh Phong – Chủ tịch VFA cũng nhận định, giá lúa trong nước cũng như giá xuất khẩu từ tháng 4 sẽ tăng nhẹ do một số thị trường lớn đã có nhu cầu nhập khẩu trở lại. Quý II, VFA sẽ tập trung vào đàm phán các hợp đồng tập trung ở thị trường Philippines, Malaysia, Chile để kéo giá xuất khẩu lên.
Thuận Hải – Ngọc Minh