Các doanh nghiệp địa ốc đua nhau tung ra chính sách bán hàng hấp dẫn. |
Cung lớn, cầu nhỏ giọt
Theo các chuyên gia bất động sản, không loại trừ việc các doanh nghiệp tung ra nhiều chiêu “thổi giá”, kích cầu, bởi họ đang kẹt một lượng hàng không nhỏ, chờ cơ hội để “xả hàng”.
Ra mắt năm 2008, dự án Emerald City (thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) có quy mô gần 160 ha, với 1.600 sản phẩm được quảng bá như một cơ hội đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên, đại diện Công ty Nam Tiến, đơn vị phân phối độc quyền dự án này, cho biết, mới bán được khoảng 500 nền thì rơi vào giai đoạn thị trường đóng băng.
Không ít dự án khác trên địa bàn TP HCM và các thành phố “vệ tinh” cũng rơi vào tình trạng tương tự khiến doanh nghiệp bất động sản khó huy động vốn để triển khai dự án theo kế hoạch. Như tại quận Thủ Đức, dự án Tecco Tower gồm 238 căn hộ do Công ty CP đầu tư cây dựng và ứng dụng công nghệ mới (TECCO) làm chủ đầu tư, tung ra thị trường vào tháng 9/2009 nhưng đến nay mới bán được mấy chục căn.
Trong báo cáo về thị trường bất động sản quý I của Công ty nghiên cứu thị trường Savills Việt Nam, nguồn cung căn hộ trên thị trường sơ cấp tại TP HCM vào khoảng 9.000 căn, từ đầu năm đến nay mới tiêu thụ được khoảng 1.800 căn. Công ty này dự báo, từ quý II đến cuối năm 2010, sẽ có khoảng 6.900 căn hộ được tung ra thị trường và có khoảng 43.100 căn đang trong giai đoạn lập kế hoạch và sẽ hoàn tất trong một vài năm tới.
“Nguồn cung khá lớn, nhưng tốc độ tiêu thụ chậm chạp do kinh tế khó khăn, tín dụng kiểm soát chặt chẽ. Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang rơi vào tình thế mắc kẹt”, một chuyên gia bất động sản nhận định.
Liên kết, hạ giá, tặng quà…
Các doanh nghiệp bất động sản buộc phải tìm đủ cách cách kích thích thị trường như liên kết, hạ giá bán, tặng quà rầm rộ. Đầu tháng 4 vừa qua, ba sàn giao dịch là bất động sản Hòa Bình, Nhà Việt Nam, Song Phát ký liên kết nhằm chia sẻ thông tin, sản phẩm, khách hàng, đồng nghĩa chia sẻ cả thị trường cho nhau.
Ông Lê Quốc Duy, Tổng giám đốc sàn Hòa Bình, thừa nhận, trước kia nhà đầu tư phải “săn” dự án thì nay ngược lại. “Làm mới thị trường chỉ là một sự kỳ vọng, trước mắt là “cứu” mình, tạo cho mình công ăn việc làm”, ông Duy nói.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản tại Bình Dương, Đồng Nai cũng đang bắt tay nhằm đẩy một lượng lớn đất nền căn hộ đang mắc kẹt từ năm 2008 đến nay, điển hình là việc liên kết của ba doanh nghiệp tại Đồng Nai là Tín Nghĩa, Sonadezi và Donaland.
Một biện pháp khác được nhiều công ty địa ốc đua nhau áp dụng là giảm giá, tặng quà, khuyến mại những món hàng giá trị như sổ tiết kiệm, xe máy, ti vi, thậm chí cả… nền đất. Như Công ty Nam Tiến, một phần nhờ chính sách này, từ đầu năm đến nay đã bán được hơn 100 sản phẩm, tăng hơn hai lần so với hồi cuối năm 2009.
Công ty Tấc Đất Tấc Vàng, để “xả hàng” tại khu đô thị Mỹ Phước 4 (Bình Dương) gần 1.000 ha, ngoài giảm giá bán cũng tung chiêu tương tự và giao dịch tại đây bước đầu có cải thiện…
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM, trong lúc thị trường đang rơi vào cơn “bĩ cực” như hiện nay thì việc có được khách hàng là… rất quý. “Doanh nghiệp có lời thì tốt, nếu không cũng sẽ vượt qua được giai đoạn khó khăn”, ông Châu nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản khuyến nghị, khách hàng ra quyết định đầu tư phải dựa vào tính hiệu quả, khả năng sinh lời của dự án. “Nếu nhất thời vì ham quà tặng mà đổ vốn vào rồi mắc kẹt, thua lỗ thì nhà đầu tư đã thay doanh nghiệp gánh lấy rủi ro”, một vị chuyên gia bất động sản nhấn mạnh.