Dân Việt

Sản xuất nông nghiệp gặp khó vì cắt điện

27/04/2010 08:17 GMT+7
(Dân Việt) - Chăn nuôi là "đối tượng" bị ảnh hưởng đầu tiên của tình trạng cắt điện luân phiên. Đã có nhiều nơi, người chăn nuôi phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua các máy phát điện.
img
Đối với người nuôi gà, mất điện là tai họa.

Lợn, gà thoi thóp

Ông Nguyễn Xuân Vĩnh ở thôn Lai Thịnh, xã Hợp Thành, huyện Triệu Sơn (Thanh Hoá) vừa phải bỏ ra 3,8 triệu đồng mua một bình ắc-quy (24V) cùng với chiếc ổn áp để phục vụ sinh hoạt trong gia đình và chăm đàn lợn, gà của mình.

Ông Vĩnh cho biết: "Thời điểm tháng 3 vừa rồi, giá của bộ phát điện ông vừa mua chỉ có 2,7 triệu đồng, nhưng giờ nó đã được đẩy lên thêm hơn 1 triệu đồng nữa". Cũng kể từ khi bị cắt điện, sản xuất của gia đình ông, nhất là việc chăn nuôi đã gặp vô vàn khó khăn.

Từ ngày 6-4, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc có công văn yêu cầu phân bổ chỉ tiêu sử dụng điện hàng ngày cho Thanh Hoá là: 4,9 triệu kWh/ngày. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện thực tại của tỉnh này hiện nay mỗi ngày cần có khoảng 6 triệu kWh/ngày.

Ông Vĩnh bức xúc: "Bây giờ nuôi lợn, nuôi gà đều theo hướng công nghiệp, không thể không có điện để quạt mát về ban ngày và cung cấp ánh sáng về ban đêm. Người có thể chịu nóng, còn lợn, gà vẫn phải được ưu tiên".

Tại "thủ phủ" ấp gia cầm giống (gà, ngan, vịt) ở Đại Xuyên (Phú Xuyên, Hà Nội), tình trạng mất điện do bị cắt luân phiên trong những ngày này đã làm cho nhiều hộ dân điêu đứng. Chỉ tay vào tủ trứng đang ấp dở, ông Nguyễn Xuân Tỉnh, một người chuyên làm nghề ấp trứng đã nhiều năm ở đây nói: "Ấp trứng phải có điện liên tục để duy trì nhiệt, nhưng có lần ngành điện cắt đến mấy hôm liền, thậm chí cắt không báo trước. Hôm nọ, nhà tôi bị mất một mẻ trứng gần 1.000 quả đã ấp được 17 ngày, đi đứt cả 10 triệu đồng".

Để khắc phục tình trạng mất điện dài ngày, hầu hết các hộ dân ở đây đã phải mua các máy phát điện công suất lớn thay điện lưới. Ông Tỉnh tính toán: "Để duy trì đủ nhiệt liên tục cho lò ấp 1.000 trứng, tối thiểu phải sử dụng máy phát điện có công suất từ 3.000W trở lên, trung bình mỗi giờ mất 2-3 lít xăng (tương đương 33.000-55.000 đồng), tính ra mỗi ngày mất ít nhất 500.000-600.000 đồng của tôi đấy, trong khi nếu chạy điện lưới chi phí chỉ bằng 50%".

Do lo ngại tình trạng mất điện còn kéo dài, một số hộ dân hiện đã chủ động giảm lượng ấp trứng xuống chỉ còn trên dưới 50%, bởi nếu càng ấp nhiều, sẽ càng lỗ nặng.

Cũng giống như ở Phú Xuyên, những người chăn nuôi gà ở Tân Yên (Bắc Giang) cũng rơi vào tình trạng tương tự. Ông Nguyễn Văn Sơn ở thôn Cầu Đồng 9 xã Ngọc Lý huyện Tân Yên (Bắc Giang) cho biết: "Nhà tôi làm nghề ấp trứng gia cầm từ hơn 10 năm nay. Khoảng hơn 1 tháng trở lại đây, trung bình mỗi ngày điện cắt khoảng 10 tiếng. Do không có điện, phải chạy máy nổ chi phí mua nguyên liệu dầu đã đội lên 5 triệu đồng/tháng, gấp 4 lần so với trước đó. Mặc dù giá gà con rẻ hơn trước đây 50% mà vẫn ế ẩm, chẳng có người mua.

Trồng trọt cũng bị ảnh hưởng

Ông Trịnh Xuân Như - Giám đốc Điện lực Thanh Hoá cho biết, do tình trạng thiếu điện chung của toàn quốc, nên Thanh Hoá cũng phải thực hiện cấp điện theo sự phân bổ hàng ngày của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc. "Trước tình hình đó, chúng tôi đành phải thực hiện tiết giảm điện năng và cắt luân phiên "một có một không" đối với tất cả các địa phương trong tỉnh.

Tính đến thời điểm này, do miền Bắc vừa trải qua một số đợt mưa, cộng với lúa đông xuân đã bước vào thời kỳ trổ bông, nên về cơ bản việc cắt điện không mấy ảnh hưởng đến trồng trọt.

Tuy nhiên, tại thời điểm này các hộ dân trồng hoa, cây cảnh vẫn cần sử dụng điện để phục vụ việc thắp sáng và tưới phun sương cho cây. Việc cắt điện cũng đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của các hộ dân này.

Ông Nguyễn Văn Thuỷ, một hộ dân chuyên trồng hoa công nghệ cao ở Đình Bảng (TX. Từ Sơn, Bắc Ninh) cho biết: “Nhà tôi, từ lâu đã làm nghề trồng hoa công nghệ cao theo mô hình nhà lưới, hàng ngày cũng phải sử dụng rất nhiều điện để thắp sáng và phòng chống sâu bệnh. Thế nhưng, từ giữa tháng 4 đến nay, điện đóm phập phù, gần đây có hôm còn bị cắt đến cả gần 1 ngày trời, việc cung cấp điện càng trở nên khó khăn hơn”.

Nhà ông Thuỷ có hơn 1 mẫu trồng hoa hồng, trung bình mỗi ngày sử dụng đến 30kWh, nay do hay bị cắt điện, ông phải “xoay” sang mua 4 chiếc máy phát điện công suất 3.000W, chi phí vì thế đội lên gấp bội phần.

Tại các vùng trồng rau sạch công nghệ cao ở Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... mặc dù tránh được hạn do có mưa, song các hộ dân vẫn cần điện để phục vụ phun tưới đạm.

Ông Trần Văn, một người trồng hoa ở Phúc Yên (Vĩnh Phúc) cho biết: “Trồng hoa bây giờ, không như trước, tức bón phân trực tiếp vào gốc, mà phải dùng hệ thống ống để tưới nhỏ giọt phân vào cho cây. Mấy ngày nay mất điện suốt, bí quá. Có hôm, tôi phải thức đợi đến tận 11 giờ đêm mới có điện để đi tưới bón phân cho hoa. Hôm nào, mất hẳn, đành cho hoa... nhịn”.