Loại thuốc “lạ” này có tên thương phẩm là Dibstar 50EC, được nhiều hộ dân ở Nghệ An sử dụng phun trừ từ cách đây 3 tháng, nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn chưa có phương án giải quyết sự cố. Những hộ trồng lạc đang nhận một mùa lạc thất bát…
Ruộng lạc này đã phun thuốc diệt cỏ nhưng cỏ vẫn mọc dày. |
Thuốc diệt cỏ có cũng như không
Vơ nắm cỏ to giữa đống lạc vừa nhổ lên, chị Phạm Thị Hương - nông dân ở xóm 2, xã Diễn Kỷ (huyện Diễn Châu) nói: “Tôi đã phun thuốc Dibstar 50EC rồi, nhưng cỏ lấn át hết cây lạc, nên hạt lạc năm nay ít, to nhỏ không đều. Mọi năm, gia đình tôi có thể thu 2,5 tạ lạc tươi/sào Trung Bộ; nhưng năm nay, năng suất chỉ được khoảng 1,8 tạ/sào, giảm 70kg so với năm ngoái, tức mỗi sào mất 700.000 đồng”.
Cạnh ruộng lạc của gia đình chị Hương, 2,1 sào lạc của chị Tuyết cũng cùng chung “số phận”. Sau Tết Nguyên đán, chị Tuyết cho gieo hạt và mua ở hợp tác xã nông nghiệp xã một lọ thuốc trừ cỏ hiệu Dibstar 50EC (được bán theo chương trình hỗ trợ của tỉnh Nghệ An với giá rẻ hơn thị trường 10.000 đồng/lọ). Thuốc này được quảng cáo ngăn không cho cỏ nảy mầm. Nhưng khoảng nửa tháng sau khi phun, cỏ mọc nhiều một cách bất thường. Dù gia đình chị Tuyết làm cỏ thường xuyên nhưng không xuể. Thậm chí, có ruộng, cỏ còn cao hơn cả lạc.
Thuốc trừ cỏ Dibstar 50EC. |
Hiện tượng cỏ mọc bất thường sau khi nông dân phun thuốc trừ cỏ được phản ánh đến các cơ quan chức năng, doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất Dibstar 50EC từ nhiều tháng trước. Tuy nhiên, cho đến nay, nguyên nhân của việc cỏ mọc bất thường chưa được xác định cụ thể.
Cả ông Nguyễn Mạnh Trí - Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Bảo vệ thực vật Nghệ An (đơn vị cung ứng) và ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Nghệ An cho biết: “Mẫu thuốc được chúng tôi đưa đi kiểm định và xác nhận đảm bảo chất lượng như đăng ký. Vì vậy, nguyên nhân về chất lượng thuốc được loại trừ”.
Rũ bỏ trách nhiệm, bỏ mặc nông dân
Theo ông Đức, tình trạng cỏ mọc nhiều sau phun thuốc có thể do… thời tiết. Thực tế, sau khi phun, thuốc Dibstar 50EC tạo một màng mỏng trên đất. Khi cỏ nảy mầm gặp phải lớp màng này sẽ tự chết. Tuy nhiên, thời điểm phun thuốc (sau tết), thời tiết lạnh kéo dài nên cỏ không nảy mầm. Khi thời tiết ấm lên, cỏ nảy mầm nhanh thì lớp màng trên hết tác dụng dẫn đến hiện tượng cỏ phát triển mạnh. Song các hộ dân không đồng tình với kết luận này, vì cho rằng khi mua thuốc, họ không hề được khuyến cáo về thời điểm phun trừ.
Một câu hỏi được đặt ra là tại sao, thuốc Dibstar 50EC được cung cấp và đưa vào sử dụng với diện tích lớn như vậy mà không phải là các thuốc khác thông qua đấu thầu, cạnh tranh? Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Trí- Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Bảo vệ thực vật Nghệ An nói là do: Công ty cổ phần Tập đoàn Điện Bàn (Quảng Nam, là đơn vị sản xuất loại thuốc này) có trích lại phần trăm hoa hồng cho doanh nghiệp. Còn việc sử dụng thuốc này là do Sở NNPTNT Nghệ An chỉ định.
Ông Đức thì phủ nhận điều này, khi cho rằng: “Sở NNPTNT có đưa ra một số thuốc để nông dân lựa chọn, chứ không chỉ định, ép buộc nông dân”. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, nhiều HTX nông nghiệp cho biết, chỉ có duy nhất một loại thuốc Dibstar 50EC được đưa về địa phương để bán trợ giá cho bà con nông dân.
Riêng phía Công ty cổ phần Tập đoàn Điện Bàn, đến nay mới chỉ cử cán bộ đến xem xét tình hình, rồi bặt vô âm tín, chưa “làm cho hoàn hảo”, như khẩu hiệu của doanh nghiệp này.
Sỹ Lực - Việt Tùng