Thưa ông, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội đã gặp những khó khăn gì trong việc tiếp quản những di tích?
- Trước khi phát hiện ra di tích thành cổ, nơi đây thuộc Bộ Quốc phòng và đơn thuần là trụ sở của một cơ quan. Nhưng đến khi phát lộ ra Hoàng thành Thăng Long với những nghiên cứu mang tính giá trị lịch sử kéo dài ít nhất khoảng 1.300 năm thì mục đích và giá trị sử dụng của nó đã mang một ý nghĩa khác. Những khó khăn bước đầu trong công việc tiếp quản của chúng tôi chính là dọn dẹp, tháo dỡ những công trình không mang tính giá trị lịch sử như nhà tạm, bể bơi…
Hiện vật được trưng bày tại Hoàng thành |
Cái khó khăn thứ hai mà Trung tâm vấp phải đó chính là kỹ năng bảo tồn di tích của chúng ra còn yếu kém và thiếu kinh nghiệm. Trong khi đó thời tiết ở Việt Nam rất khắc nghiệt, khí hậu thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, nhiệt độ thay đổi thất thường.
Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội đã có những kế hoạch lâu dài, cụ thể như thế nào trong việc bảo tồn tu bổ ?
- Đây là một công trình đã nằm trong chương trình quy hoạch tỷ lệ 1/500 để trình Thủ tướng phê duyệt, bên cạnh đó Trung tâm đã cùng với các chuyên gia UNESCO xây dựng một kế hoạch quản lý thường niên và quản lý dài hạn. Trung tâm cũng lên kế hoạch lâu dài về việc làm nhà mái che sao cho tốt nhất, đồng thời lắp đặt những thiết bị công nghệ mới về chống ẩm, rêu mốc, giữ được độ sáng… cho việc bảo tồn những di tích lộ thiên ở khu 18 Hoàng Diệu.
Được biết, để làm tốt công tác bảo tồn, tu bổ khu di tích, Trung tâm đã có sự phối kết hợp với các chuyên gia trong và ngoài nước, xin ông cho biết cụ thể hơn về sự kết hợp này?
- Về sự kết hợp với cơ quan nghiên cứu trong nước, Trung tâm có hẳn một hội đồng tư vấn khoa học bao gồm các giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học là những người tư vấn trong lĩnh vực chuyên môn. Năm 2012, Trung tâm đã thực hiện Dự án Bảo tồn khu di sản Thăng Long từ quỹ tín thác của Nhật Bản thông qua UNESCO, ngoài ra còn có các chuyên gia các nước khác đến từ Bỉ, Pháp, Ý… Các chuyên gia đưa ra một lộ trình quản lý, tôn tạo, tu bổ đối với các loại di vật quý như bát, đĩa, bình, vò, lọ, kiếm, tiền...
Về cơ bản thành cổ không còn lưu giữ được nhiều dấu tích thành quách, cung điện như trong trí tưởng tượng của mọi người. Vậy Trung tâm đã làm thế nào để hấp dẫn được du khách trong và ngoài nước?
- Hiện nay, chúng ta không nhìn thấy dấu vết, mà chủ yếu nhìn trên bản đồ, một ít di tích như là Đoan môn, Hậu Lâu Bắc môn, nền điện Kính Thiên ở trên mặt đất, còn chủ yếu dấu tích của các cung điện đang nằm dưới lòng đất.
Do đó, để thu hút du khách du lịch, chúng tôi cố gắng đưa những di vật hiện có ra trưng bày, cùng với việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu và công bố các kết quả nghiên cứu đó qua phương tiện thông tin đại chúng. Chúng tôi cũng quảng bá những di sản trên truyền hình, trên báo, hay là ở các bộ phim tư liệu cũng được lồng ghép đan xen những thước phim về di tích thành cổ.
Xin cảm ơn ông!
Thanh Hà (thực hiện)