Ông Cao Văn Triều nhận danh hiệu “Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu” 4 năm liền (2006-2009), do UBND TP.HCM trao tặng. |
Hỏi ông Cao Văn Triều, kinh doanh nguyên liệu thuốc thú y và phụ gia thức ăn chăn nuôi, hẳn là ông gắn bó chặt chẽ với nông dân, ông nói : “Chỉ gắn bó gián tiếp qua các công ty chế biến thủy sản, nhất là thủy sản nuôi ở ĐBSCL và các công ty chăn nuôi gia cầm, gia súc bằng cách bán sản phẩm trực tiếp cho họ, họ lại đầu tư cho nông dân chăn nuôi để mua lại cá, tôm, gà, vịt… Thị trường nuôi nhau, Ruby chỉ là một mắt xích trong đó. Tôi là con nhà nông chính cống, giờ không trực tiếp sản xuất thì phục vụ bà con làm ăn, mình cũng có phần lợi trong đó”.
“Nông dân là người ban ơn”
Gốc gác ông Triều là nông dân thứ thiệt, như ông khẳng định. Vùng quê Thanh Hóa của ông đất không rộng, người lại đông, nên muốn sống được phải cần cù cày sâu cuốc bẫm. Nhưng thực ra ông Triều chỉ sống ở quê nhà hết thời niên thiếu rồi đi học.
Ông may mắn được nhà nước gửi sang Cuba học 6 năm, rồi tu nghiệp 3 năm tại Ấn Độ ngành chăn nuôi, thú y, có bằng phó tiến sĩ mới về nước. Về nước, ông làm nông dân trí thức ở Nông trường Tam Đảo, Trung tâm Nghiên cứu trâu sữa Sông Bé…
Nhưng suốt thời gian đó, do đất nước chưa chuyển sang nền kinh tế thị trường, ông Triều như hạt giống bị gieo nơi đất cằn, dù cố vươn lên, làm hết khả năng, nhưng không vận dụng được kiến thức có được.
Ông bộc bạch: “Có lúc tôi muốn ra khỏi Đảng, vì thời ấy, đảng viên không được làm kinh tế, để có điều kiện kinh doanh, nhưng vợ con tôi cản”. Dần dà, nền kinh tế thị trường ăn sâu vào đời sống xã hội, ông vay bạn bè được một số vốn, thuê một cửa hàng 4m2 nhận bán thuê một số loại sản phẩm, ăn “hoa hồng”. Hàng ngày, vợ tôi đứng quầy, ông chạy xe máy ra Đồng Nai, lên Sông Bé, Tây Ninh để chào hàng, học cách bán hàng.
Muốn làm lớn thì phải có vốn lớn và trực tiếp nhập hàng, ông Triều nghĩ thế, và được người bạn cho mượn căn nhà để thế chấp ngân hàng vay vốn. Mới đầu ông nhập vài chục phần trăm, còn thì nhận làm đại lý cho các công ty xuất nhập khẩu thuốc thú y, phụ gia thức ăn tinh cho chăn nuôi, sau thì tự nhập 100%.
“Mua hàng tận gốc, số lượng nhiều, chất lượng tốt, giá phải chăng, hậu mãi chu đáo, đó là cách kinh doanh mà tôi học được qua sách báo và những doanh nhân thành đạt trên thế giới… và thành công” - ông Triều tâm sự.
Phải nói rằng, trong kinh doanh, tôi may mắn có những người bạn hiểu tôi, tin tưởng giúp tôi trong buổi đầu khó khăn, nhưng phải nói chính là nhờ bà con nông dân sử dụng sản phẩm của Ruby ngày một nhiều. Với tôi, nông dân là người ban ơn”.
Kinh doanh cũng là đạo
Ông Triều có lợi thế là thông thạo cả tiếng Anh, Tây Ban Nha, nên mới có đối tác ở mấy mươi nước. Ông chia sẻ: “Doanh nghiệp mình cần loại nguyên liệu thuốc thú y nào, cần loại phụ gia thức ăn chăn nuôi gì, tôi a lô qua Pháp, qua Mỹ, qua Nhật, qua Đức… là nửa tháng hàng về kho”.
Để tạo được sự tin tưởng của khách hàng, ông cho rằng, trước hết phải là người tự trọng, tin vào bản thân mình, nói một là một, hứa là phải làm. Trong kinh doanh, cạnh tranh là điều khó tránh, nhưng đừng quá nặng lợi nhuận mà quên chữ tâm và phải lo đời sống cho công nhân viên thật chu đáo, xem họ là đối tác chứ không phải người làm thuê. Kinh doanh cũng là một thứ đạo: Đạo làm người.
Ông Triều đã ngoài 60 tuổi, như ông nói, đã đến lúc nghỉ ngơi. Ông chỉ kèm cặp cậu con trai út một vài năm là bàn giao lại hết cơ nghiệp. Mấy năm rồi, con trai ông là phó giám đốc, đã quen điều hành công ty, lại rất yêu nghề kinh doanh.
Con trai cả của ông là bác sĩ, vừa hành nghề vừa dạy ở Đại học Y Dược TP.HCM, nay đang tu nghiệp tại Anh. Gia đình hai con trai có hai cháu nội vẫn ở chung, ăn chung với ông bà. Theo ông Triều, có được một đại gia đình ba thế hệ như thế là phúc đức.
Minh Phương