Vậy mà cả kiểm lâm, bảo vệ của các doanh nghiệp và cả chính quyền địa phương đều… không biết.
Từ trung tâm xã Quảng Sơn, chúng tôi đi dọc trên con đường đất chạy xuyên qua tiểu khu 1658. Ở đó, người ta vẫn gọi là rừng, nhưng chúng tôi không hề thấy màu xanh của rừng. Nếu phóng mắt về phía các chân đồi thì chỉ thấy một màu đen của tro than.
Tại khu vực Chốt 1 (ranh giới rừng giữa hai công ty), lửa vẫn còn âm ỉ cháy. Người dẫn đường cho chúng tôi tiết lộ: "Bảo vệ của các công ty thường xuyên có mặt tại đây. Nhưng cũng chính nơi này rừng bị phá nhiều nhất. Bọn lâm tặc ngang nhiên dùng cưa máy phá rừng bất kể ngày đêm".
Ngoài khu vực Chốt 1, trong phạm vi tiểu khu 1658 còn nhiều điểm chặt phá, đốt rừng trái phép để lấy đất sản xuất như khu vực Suối Đá, vùng tiếp giáp với rừng Nam Nung (huyện Krông Nô- Đăk Nông).
Tại một cuộc họp mới đây, đại diện kiểm lâm, chính quyền địa phương, và đại diện các công ty thuê rừng đều khẳng định: "Không hề có chuyện rừng bị phá". Các báo cáo cũng nêu: Chính quyền địa phương, kiểm lâm cũng như doanh nghiệp thường xuyên phối hợp bảo vệ rừng. Vậy nhưng không đâu xa, ngay trên tỉnh lộ, đoạn Quảng Sơn đi Đăk R'Măng (huyện Đăk G'Long) nơi mà hàng ngày những con người trong cuộc họp này đều phải đi qua, rừng cũng chỉ còn là những bãi đất trống. Không chỉ riêng lâm tặc phá rừng mà ngay cả công ty được giao rừng cũng "tham gia".
Ông Tôn Thất Hoàng- Cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn- cho biết: "Quyết định 2113 của tỉnh về việc cho phép Công ty CP Thiên Sơn thực hiện dự án ghi rõ là 1,8ha nhưng Công ty này đã cố tình san ủi đến 2,8ha rừng".
Duy Hậu